Hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững phục vụ xây dựng nông thôn” diễn ra sáng nay (27/11), tại Hà Nội. Tham gia hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện nghiên cứu lúa quốc tế đã thảo luận, thống nhất các chương trình, chiến lược hợp tác tổng thể hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành sản xuất lúa gạo, ở Việt Nam trở thành lĩnh vực quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn diện. Trong đó, xác định khoa học nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các loại giống lúa tốt, có chất lượng, phù hợp với từng vùng, miền là khâu đột phá trong định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam.

gao_1_qxzg.jpg
Tại các cuộc trao đổi và thảo luận, hai bên đã kêu gọi nỗ lực hợp tác liên quan đến việc phát triển các giống lúa có giá trị xuất khẩu cao, áp dụng các kỹ thuật quản lý vụ mùa tiên tiến và tăng cường sử dụng máy móc và các công nghệ khác trong sản xuất lúa. Nỗ lực hợp tác là bước tiến của ngành lúa gạo quốc gia trong thực hiện “Đề án Tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2013.

Trong khuôn khổ hội thảo sáng nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và ông Robert Zeigler, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu lúa quốc tế đã ký biên bản thỏa thuận thành lập Văn phòng quốc gia của Viện nghiên cứu lúa quốc tế tại Việt Nam. Đây là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế đầu tiên được Chính phủ Việt Nam chính thức công nhận, là nơi hỗ trợ giao lưu giữa các nhà khoa học của Việt Nam với các chuyên gia của Viện, thực hiện chiến lược ngành lúa gạo Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ cảm ơn đến sự quan tâm hỗ trợ cấu trúc ngành lúa gạo thời gian qua của các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế. Hơn 80% giống lúa được gieo trồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có nguồn gốc từ các nghiên cứu và chọn lựa của Viện nghiên cứu lúa quốc tế. Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân sinh sống ở khu vực nông thôn, khoảng 70% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Ngành lúa gạo hiện nay chiếm gần một nửa giá trị trong ngành. Cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng gia tăng giá trị có ý nghĩa rất lớn trong cải thiện thu nhập của người trồng lúa, nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Để làm được điều này, ngoài nội lực của ngành nông nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ cần có sự hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong đó có Viện nghiên cứu lúa quốc tế.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Ngành lúa gạo Việt Nam cần có sự chuyển biến mạnh hơn về chất để đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nông dân một cách bền vững và đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Thực tế các chuyên gia của Viện đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, hỗ trợ nông dân trên đồng ruộng của mình. Việc ký Biên bản thỏa thuận thành lập Văn phòng của Viện nghiên cứu lúa quốc tế tại Việt Nam hôm nay khẳng định quyết tâm và cam kết giữa Chính phủ và Viện trong hợp tác cấu trúc ngành lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung”./.