Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, mặt hàng lốp bơm hơi bằng cao su loại mới dùng cho xe khách và xe tải có chỉ số tải trọng lớn hơn 121 (mã HS 4011.20.90) có lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng đột biến.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm này sang EU với số lượng như sau: Tháng 1, 2 không xuất khẩu; tháng 3: 4 chiếc; tháng 4: 2 chiếc; tháng 5: 3.494 chiếc; tháng 6: 13.415 chiếc; tháng 7: 13.710 chiếc; tháng 8: 18.974 chiếc; tháng 9: 23.229 chiếc và tháng 10: 31.245 chiếc.
Trước tình trạng xuất khẩu gia tăng đột biến như vậy, Cục Phòng vệ thương mại cảnh báo, có nguy cơ Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế hoặc điều tra chống bán phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Sản phẩm lốp bơm hơi bằng cao su loại mới của Việt Nam có khả năng bị EU áp thuế chống bán phá giá. (Ảnh minh họa: KT) |
Trước đó, ngày 22/10, EC đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc. Biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực trong vòng 5 năm.
Các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá gồm có: Lốp bơm hơi bằng cao su, loại mới, dùng cho xe khách và xe tải có chỉ số tải trọng lớn hơn 121 (mã HS 4011.20.90); lốp bơm hơi bằng cao su, loại đắp lại, dùng cho xe khách và xe tải (mã HS 4012.12.00)
Trước khi EC ra quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc, EC đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm này nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5.
Sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời, khối lượng xuất khẩu lốp cao su cho xe khách và xe tải từ Trung Quốc sang EU đã giảm mạnh. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang EU tăng đột biến./.
Áp thuế chống bán phá giá thép hình xuất xứ từ Trung Quốc
Nguy cơ EC điều tra bán phá giá lốp ô tô Việt Nam xuất khẩu