Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình, tỉnh Long An, mỗi đợt thu hoạch khoảng hơn 1.000 tấn chanh. Ngoài phân phối chanh tươi, HTX còn sản xuất hơn 50.000 lít rượu chanh đóng chai. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm biến động các mối hàng truyền thống khiến HTX đang phải chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi mà cung đường hàng hoá đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì đưa chanh và sản phẩm chế biến từ chanh lên sàn thương mại điện tử được xem lối đi tốt nhất hiện nay mà ngành chức năng của Long An hướng tới.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Khắp, Giám đốc HTX Thuận Bình cho rằng, việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử với các thành viên hợp tác xã không hề dễ dàng, nhất là với người nông dân “sản xuất giỏi nhưng công nghệ thì chưa sành”.
“Tạo điều kiện giúp hàng hóa bà con lên sàn như vậy thì quá tốt, nhưng có một điều bà con thực hiện cũng chưa có rành vì trình độ năng lực nông nghiệp, thực sự làm nông, sản xuất thì bà con giỏi thật nhưng khi đụng đến thiết bị máy móc điện tử rồi mạng xã hội thì còn nhiều hạn chế. Nên thời gian qua, bà con cũng chưa dám tiếp cận và cũng chưa nhiều nơi mạnh dạn làm”, ông Bùi Văn Khắp nói.
Sở Công Thương Long An cho biết, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã được triển khai từ năm 2018 với các sàn như: Sendo, Vỏ Sò (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart, Lazada theo các hình thức khác. Quá trình triển khai cho thấy, nhiều doanh nghiệp, HTX và cơ sở kinh doanh chưa chủ động và có nhận thức đầy đủ đối với phương thức kinh doanh này. Tuy nhiên, thời điểm này là cơ hội để doanh nghiệp, HTX thay đổi phương thức cung ứng để phù hợp với tình hình mới.
Thông qua sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm chế biến nông sản như: nước ép trái cây, thanh long xấy khô, chuối, gạo đã có đơn hàng từ nước ngoài. Riêng sản phẩm chế biến tươi như: lạp xưởng, nem nướng heo, cá đồng... của các cơ sở nhỏ lẻ cũng cải thiện được tình hình tiêu thụ.
“Cơ sở có đơn hàng, nhưng mặt hàng của mình là mặt hàng tươi, nên thời điểm này hơi khó trong vận chuyển xa, không như thanh long sấy khô hay những mặt hàng khô khác. Do đó, cơ sở tập trung bán cho nhu cầu tại địa phương”, chị Tống Ngọc Mỹ Linh, Chủ cơ sở chế biến Lạp xưởng Kim Huệ, tỉnh Long An chia sẻ.
Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các sàn thương mại điện tử triển khai đóng hàng theo quy cách ngay tại địa phương và đưa luôn lên sàn, sau đó điều phối sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng.
Để khắc phục những hạn chế trong vận hành, dự kiến trong những quý cuối năm 2021, Long An sẽ tổ chức đào tạo, phát triển khoảng 100 nhân lực phục vụ, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Trong đó, chuyên sâu cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp và cách thức chăm sóc khách hàng, dịch vụ sau bán hàng, quản lý chất lượng sản phẩm…
“Hiện nay, việc đưa hàng lên sàn một phần đang nhờ Hiệp hội thương mại điện tử hỗ trợ, cùng với nhân lực của Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai làm. Nói chung tỉnh đang làm luôn cho doanh nghiệp, khi Hiệp hội cần gì ở doanh nghiệp thì đề nghị doanh nghiệp làm, nếu họ khó khăn thì tỉnh sẽ cử chuyên viên đứng ra hỗ trợ”, bà Châu Thị Lệ cho biết thêm.
Long An đang tập trung đưa thêm một số nông sản bán online tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của địa phương thời gian tới. Cùng với tiếp cận kênh bán online trong nước, hiện gạo đã có mặt kênh thương mại điện tử quốc tế như: Alibaba và Amazon. Một số sản phẩm khác chuối, chanh, gạo, thanh long cũng đang được xúc tiến đưa lên sàn để quảng bá sản phẩm của Long An ra thị trường nước ngoài./.