Tỉnh Long An giáp ranh với TP HCM, có vị trí địa lý rất thuận lợi, là điểm kết nối cửa ngõ từ TP HCM và khu vực Đông Nam Bộ vào Tây Nam Bộ. Hiện các khu công nghiệp – khu công nghệ tập trung ở phía Đông của tỉnh Long An có tổng diện tích lên đến 32.000 ha, được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam bộ trong tương lai.
Trong đó phát triển Khu kinh tế công nghệ cao đang được Long An đang hướng tới và huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu này.
Chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế
Những năm gần đây, Long An đã có sự phát triển bứt phá, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và của cả nước.
Môi trường đầu tư tại đây ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An luôn ở nhóm “tốt” đến “rất tốt”, đặc biệt năm 2018 và năm 2020 đứng thứ 3 cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 đứng thứ 5 toàn quốc. Đến cuối năm 2020, Long An có trên 12.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, thu hút trên 1.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 6,6 tỉ USD.
Cùng với sự chủ động tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư, Long An còn được doanh nghiệp chú ý, tìm hiểu và lựa chọn bởi vị trí địa lý, giao thông đường bộ, giao thông đường thủy được quy hoạch bài bản kết nối các khu công nghiệp với nhau và với các cảng biển.
Quỹ đất dành cho công nghiệp của Long An còn nhiều và việc hình thành Khu kinh tế công nghệ cao là một hướng đi đúng để thu hút đầu tư vào công nghiệp của tỉnh này. Khu này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tương lai các ngành công nghiệp tiềm năng cao được ưu tiên phát triển.
Gần đây, Long An đã mời gọi, lựa chọn gần 30 nhà đầu tư Hàn Quốc đến nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế công nghệ cao và bước đầu đã ký kết một số dự án hợp tác.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn, đơn vị hỗ trợ UBND tỉnh Long An triển khai Khu kinh tế công nghệ cao cho biết: "Các khu công nghiệp cũ thì tình hình ô nhiễm môi trường có xảy ra và phát triển đến nay chậm, hoạt động bình thường. Tôi đơn cử trước tổng diện tích đất khu công nghiệp Long An thu hút được 7 - 8 tỷ USD. Trong khi một khu kinh tế mà chúng tôi đang làm khoảng 600 ha đã thu hút đến 10 tỷ USD, vì chúng tôi chỉ tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao. Để đổi mới, để tạo động lực mới tôi nghĩ Long An cần thu hút như vậy".
Nằm trong Khu kinh tế công nghệ cao, Cảng quốc tế Long An được quy hoạch trở thành cảng lớn nhất miền Nam, góp phần hoàn thiện liên kết vùng của Long An về giao thông, hình thành các trung tâm logistic, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm cho rằng, với quy hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn, nhất là phát triển Khu kinh tế công nghệ cao, Long An không chỉ chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài mà còn quan tâm thu hút doanh nghiệp trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Theo ông Võ Quốc Thắng: "Việc ra đời các khu công nghiệp, khu kinh tế công nghệ cao đã có được định hình trước trong các vấn đề đầu tư, công nghệ cũng như chuyển đổi số trong hoạt động điều hành từ cấp chính quyền cho tới doanh nghiệp. Tôi nghĩ điều này sẽ rất quan trọng, tạo ra môi trường đầu tư rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Sau khi giai đoạn dịch qua đi, thì Long An sẽ là điểm đến cho cho các nhà đầu tư".
Huy động mọi nguồn lực cho Khu kinh tế công nghệ cao
Với khát vọng “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, tỉnh Long An đang khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Khu kinh tế công nghệ cao Long An được tập trung hình thành từ chiến lược và vận hành, xây dựng cơ sở hạ tầng đến mô hình quản trị và chính sách khuyến khích đầu tư.
Long An tiếp tục chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối giữa tỉnh với TP HCM và các địa phương lân cận, trở thành trục động lực để thu hút đầu tư. Long An sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng Khu kinh tế công nghệ cao Long An trở thành khu kinh tế kiểu mẫu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, ngay trong quý I/2021, Long An đã thu hút vốn FDI được 3,1 tỷ USD và 10 hợp đồng, biên bản ghi nhớ từ Hàn Quốc, Mỹ và Ấn Độ trong việc hợp tác xây dựng hạ tầng, chuyển đổi số cho Khu kinh tế công nghệ cao.
"Quan điểm của tỉnh là không phát triển cục bộ mà tạo ra liên kết vùng. Chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng này. Việc này đòi hỏi nguồn ngân sách rất lớn. Hiện đã đầu tư và dùng ngân sách, cũng như huy động tất cả nguồn vốn xã hội hoá kể cả việc tính toán đến phát hành trái phiếu để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng" - ông Nguyễn Văn Út chia sẻ.
Long An cũng đã ký kết với một loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để hiện thực hóa khát vọng phát triển. Với những thế mạnh của mình, chính quyền Long An cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật với những điểm nhấn riêng để thu hút đầu tư./.