Nghề nuôi yến đứng trước tiềm năng và thời cơ đang có, tỉnh Long An lựa chọn phương án đẩy mạnh, linh hoạt trong quy hoạch phát triển vùng nuôi yến, hướng đến trở thành vùng sản xuất yến quy mô để xuất khẩu. Để làm được điều này, rất cần có vai trò thuộc thẩm quyền liên ngành Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Kế hoạch đầu tư của Long An trong công tác quản lý nhà nước.

Linh hoạt trong quản lý và xử lý

Với khoảng 1.200 nhà yến hiện nay, Long An tăng nóng khoảng 650 nhà so với năm 2020. Trong đó, số nhà yến ở khu vực Đồng Tháp Mười chiếm trên 60% (với khoảng 700 nhà). Tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của tỉnh rất lớn, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho nông hộ và các cơ sở. Tuy nhiên, là ngành mới phát triển, Long An gặp nhiều khó khăn thực hiện quy hoạch vùng nuôi do việc quản lý chồng chéo đan xen bởi Luật thú y, Luật quy hoạch, Luật bảo vệ môi trường... và không có một quy định chung, thống nhất để hướng dẫn; đặc biệt ở lĩnh vực xây dựng tài nguyên liên quan đến quản lý đô thị xây dựng và đất đai…

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường Long An, thực tế có nhiều nhà nuôi yến được xây dựng ở khu dân cư, khu vực đô thị, chưa phù hợp với quy định cũng như quy hoạch, dẫn đến mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng đàn chim yến, tác động xấu đến môi trường và quản lý thú y. Đặc biệt là vấn đề tiếng ồn gây khó chịu, gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm âm thanh, môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, tình trạng tự phát xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư hoặc cải tạo, cơi nới từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến còn dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Tân Thuấn cho hay, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể việc chuyển đổi vật nuôi đối với chim yến, do đó chưa thể xác định lập hồ sơ cho nông hộ.  Để cấp phép xây dựng cho nhà yến phải thuộc loại hình đất nông nghiệp khác, đây là vấn đề khó trong việc quy hoạch chủ động phát triển các vùng nuôi yến. Chính vì vậy, Sở Tài Nguyên – Môi trường Long An đã tham mưu UBND tỉnh trong quy hoạch chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, chủ động có dự phòng chỉ tiêu về đất nông nghiệp khác. Đồng thời phân bổ chỉ tiêu này cho các địa phương cấp huyện.

“Các huyện cũng dựa trên những chỉ tiêu đất nông nghiệp khác được phân bổ, phối hợp với ngành nông nghiệp chủ động quy hoạch các khu vực nuôi yến. Đồng thời Sở Tài nguyên – Môi trường cũng hướng dẫn địa phương, khi người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất đúng với hình thức đất nông nghiệp khác phải bám sát các thủ tục đất đai quy định”, ông Thuấn nói.

Liên quan đến việc xây dựng nhà yến, ông Võ Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết, hiện nay, ngành xây dựng không ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng đối với công trình nuôi chim yến. Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình nuôi chim yến ở một số nơi còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà yến không phép, sai phép, không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt…

Những tồn tại, hạn chế này là do các cơ quan chức năng đã được UBND tỉnh phân cấp tại Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND chưa kịp thời xử lý, hoặc xử lý không kiên quyết triệt để; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ… Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của các tổ chức, cá nhân có nhà yến chưa nghiêm; cố tình vi phạm.

Chính vì vậy, vừa qua UBND tỉnh Long An đã chủ động có hướng dẫn liên Sở Tài Nguyên - Môi trường; NN&PTNT và Xây dựng về việc thực hiện quy định điều kiện chăn nuôi; quy định về bảo vệ môi trường đối với nhà yến và những quy định cấp phép xây dựng nhà yến trong vùng nuôi chim yến. Trong đó, tập trung hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự thủ tục để người dân được cấp phép xây dựng nhà yến tại vùng được phép chăn nuôi.

Để gỡ vướng giúp thúc đẩy nghề nuôi yến, tránh lãnh phí nguồn lực của nhà nước và người dân, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Long An thông tin: Trong công văn số 2171, giải trình tại Phiên giải trình lần thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh, Sở Xây dựng cũng đã có ý kiến cụ thể: Đối với tất cả trường hợp vi phạm xây dựng công trình nuôi chim yến trước và sau ngày 20/7/2020 mà nằm trong vùng không được nuôi chim yến theo khoản 4 Điều 1 Quyết định số 54/2020/QĐ-UBND áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Riêng các trường hợp vi phạm xây dựng công trình nuôi chim yến trước ngày 20/7/2020 mà nằm trong vùng được nuôi chim yến, không ảnh hưởng lớn đến cộng đồng khu dân cư thì yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời hạn 5 năm phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng theo quy định của pháp luật chăn nuôi và pháp luật xây dựng. Ông Linh khẳng định, Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND tỉnh Long An đã giúp cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm đối với lĩnh vực này.

“Về quản lý trật tự xây dựng đối với các nhà nuôi chim yến có quyết định số 10 của UBND tỉnh Long An đã phân cấp, phân quyền đến cấp huyện xã. Xã phải chịu trách nhiệm đầu tiên sau đó là cấp huyện. Khi phát hiện xã, huyện không phạt, phải để tỉnh vào cuộc xử phạt thì lãnh đạo xã huyện phải chịu trách nhiệm kiểm điểm trước tỉnh. Sở Xây dựng chỉ quản lý những công trình nằm trên địa bàn giáp ranh giữa hai địa phương và công trình có vốn nước ngoài…”, ông Linh nêu rõ.

Đưa thương hiệu yến vươn xa

Tỉnh Long An đang tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh phát triển vùng nuôi yến. Trên cơ sở quy định vùng nuôi và đặc tính của loài chim yến, địa phương tiếp tục định hướng các tiểu vùng trên địa bàn các xã (nơi đã dẫn dụ được chim yến) đáp ứng được điều kiện để phát triển ngành yến gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và các quy định pháp luật chuyên ngành về đầu tư, xây dựng và môi trường. Trong đó, chủ động hướng dẫn triển khai các quy định về nuôi chim yến đến cơ sở nuôi chim yến và các cơ sở thực hiện khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến để thực hiện kê khai chăn nuôi.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, ngoài việc phối hợp với các Sở, ngành liên quan để quản lý về cấp phép xây dựng nhà yến, đến thời điểm này Long An đã ban hành danh sách vùng được phép nuôi yến. Ngành nông nghiệp đang xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến; khuyến khích thành lập hội nuôi yến, tham gia Hiệp hội yến sào, tham gia sản phẩm OCOP…

Bên cạnh việc hướng dẫn triển khai Nghị định thư xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc, Long An đang thực hiện rà soát các cơ sở nuôi có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm tổ yến; nắm bắt thông tin khó khăn của nông hộ, cơ sở, gửi về trước ngày 1/5/2024 và ngày 1/10/2024. Qua đó có những chính sách hỗ trợ giải pháp kỹ thuật, tài chính cũng như phối hợp tháo gỡ những vướng mắc để thúc đẩy giúp ngành nghề phát triển đúng với tiềm năng.

“Yến là một trong những mặt hàng được ký Nghị định thư và Long An cũng nhận thức được vấn đề này. Long An đang hỗ trợ cho những bà con nằm trong vùng quy hoạch được làm mã số định danh, cũng như liên kết với những DN xuất khẩu để đưa sản phẩm yến trở thành mặt hàng tiềm năng và có thế mạnh của tỉnh. Theo đánh giá đến năm 2025, Long An sẽ có sản lượng yến khá lớn phục vụ mục tiêu này”, bà Khanh cho hay.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép, xin chủ trương đầu tư đối với lĩnh vực chăn nuôi yến, Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho biết, đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ có diện tích dưới 0,5ha sẽ không cần xin chủ trương đầu tư cấp tỉnh. Khi nhà đầu tư có nhu cầu mở rộng với tổng diện tích đất hơn 0,5 ha (kể cả phần diện tích đất đã thuê, chuyển mục đích sử dụng đất), nhà đầu tư (hộ gia đình, cá nhân) phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020.

Đồng thời với các thủ tục khác liên quan đất đai, xây dựng, môi trường..., UBND cấp huyện có trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện các thủ tục có liên quan theo đúng quy định; đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả, đảm bảo phù hợp các loại hình quy hoạch, tránh manh mún, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đảm bảo các quy định quản lý nhà nước.

Đây cũng là tín hiệu vui đối với nông hộ và nhà đầu tư, cùng với sự nỗ lực gỡ khó các chính sách, quy định trên quan điểm quản lý chặt nhưng cởi mở. Việc đón nhận nghề nuôi yến - một ngành nghề mới nhiều tiềm năng tại Long An được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đặc biệt là khu vực vùng biên Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An.