Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, tình trạng phân bón giả tại nước ta năm sau lại cao hơn năm trước. Đáng lo ngại là tồn tại “lợi ích nhóm” trong hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón từ nhiều năm nay.

phan_bon_gia_rimb.jpg
30%-50% phân bón trên thị trường là giả, kém chất lượng (Ảnh minh họa: CafeF)
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm tới 90% nhu cầu tiêu dùng. Với 14 nghìn sản phẩm phân bón được phép lưu hành và 700 cơ sở sản xuất phân bón đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Tiến Nông cho biết, một số cơ sở sản xuất phân bón hiện có tới 50% số mẫu phân bón đang bán trên thị trường bị phát hiện không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

Thị trường phân bón tại Việt Nam đang phát triển một cách tự phát, đã gây nên sự hỗn loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chính quy, ông Phong đánh giá.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có một công cụ bằng công nghệ thông tin để quản lý các công ty sản xuất phân bón, nhãn mác phân bón đang lưu thông trên thị trường.

Hiện nay chỉ có 500 triệu cũng có thể sản xuất phân bón, đã sản xuất mặt hàng này thì vốn tối thiểu phải 10 tỷ trở lên. Nhu cầu trong nước với 12 triệu tấn phân bón thì chỉ cần khoảng 300 doanh nghiệp, ông Phong nêu ý kiến.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường phân bón giả đang lộng hành là tình trạng "lợi ích nhóm" đang tồn tại từ nhiều năm nay. Điển hình là vụ việc kiểm tra và xử lý 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định, thì 100% đơn vị đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Các trung tâm này cấp sai hàng chục nghìn giấy phép kiểm định mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp…

Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam, đây là kẽ hở lớn nhất để nhóm lợi ích bám vào đó hoạt động và bảo kê cho những cơ sở sản xuất hàng giả… Bên cạnh đó là hiện tượng bảo kê của các lực lượng chức năng và địa phương đối với các cơ sở sản xuất phân bón.

Ông Hùng dẫn chứng, nhiều lần tham gia cùng lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất thì hầu hết các chủ doanh nghiệp có trong danh sách đều bỏ trốn.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 về quản lý phân bón và đã thống nhất phương thức quản lý về một bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp thuận tiện, hiệu quả hơn sau này. Đồng thời, để lưu hành thì các sản phẩm phân bón phải được khảo nghiệm thực chất. 

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các quy định của Nghị định 108 là công cụ hữu hiệu để hạn chế sự phát triển dư thừa của thị trường phân bón hiện nay. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp còn kém, dẹp được chỗ này, chỗ khác lại "mọc" lên:.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng các chế tài xử phạt, có thể áp dụng xử phạt hành chính tăng gấp 7 lần so với hiện nay.

Ngoài ra, có thể bổ sung các biện pháp khác như thu hồi giấy chứng nhận sản xuất, thời gian từ 1 đến 2 năm. Nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành thì sẽ rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn. Bên cạnh đó, sẽ có chế tài đối với nhóm đơn vị, cán bộ bao che cho các hành vi vi phạm trong sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng./.