Tại địa bàn TP HCM cho thấy, số lượng mắc ca (Macadamia) - một loại hạt có nguồn gốc từ Australia bán ra còn lẻ tẻ, hầu hết các hệ thống siêu thị đều không phân phối, chủ yếu là từ các đầu mối đại lý. Đáng chú ý, giá cả tại các điểm phân phối mỗi nơi một khác, chênh nhau cả trăm nghìn đồng một kg, thậm chí có chỗ tăng 30% so với năm ngoái.
Tại đại lý bán mắc ca ở Gò Vấp, quả mắc ca còn vỏ đã khứa nứt có giá 300.000 đồng một kg, còn loại đã tách vỏ một phần hai nhân giá 800.000 đồng.
Chủ cửa hàng cho biết, họ chỉ mới bán loại hạt này khi thời gian gần đây bỗng nhiên được chú ý. Tuy nhiên, sản phẩm bán ra rất chậm mà thương lái còn làm giá nên một tháng chỉ bán được 5-7kg, lời lãi không bao nhiêu. “Mặt khác, sản phẩm này rất kén khách, chỉ những người có thu nhập cao mới mua nên tôi không dám lấy hàng với số lượng nhiều”, chủ cửa hàng trên nói.
“Loại hạt này giá cao hơn so với các sản phẩm dinh dưỡng khác như quả óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ nên lượng bán ra èo uột. Chủ yếu chỉ đắt hàng vào dịp lễ, Tết vì người tiêu dùng mua làm quà biếu, còn bình thường sức mua kém”, chị Tuyết chia sẻ.
Chị cũng cho hay, buôn bán sản phẩm này khá bấp bênh. Toàn bộ hàng đều phải nhập vì trong nước không đạt chất lượng, khâu thu gom của nông dân không đúng quy trình nên nhiều khi hạt bị mốc hoặc mang về phơi nắng thì thiếu độ ẩm nên không sử dụng được.
“Hiện chúng tôi phải nhập hàng về và tự gia công nên giá thành hơi cao hơn so với thị trường. Quả mắc ca còn vỏ đã khứa nứt có giá 400.000 đồng một kg, còn lại đã tách vỏ, một phần hai nhân giá 900.000 đồng”, chị Tuyết giải thích.
Bán quả tươi hút chân không giá 320.000 đồng một kg, anh Quyền, người đã hơn 2 năm buôn bán hạt mắc ca tại Lâm Đồng cho hay, sản phẩm bán ra vẫn còn manh mún. Anh mới chỉ bán sản phẩm này được một năm trở lại đây và trước đó cũng phải rất chật vật với việc thu mua sản phẩm này. Về giá sản phẩm, anh chủ yếu định giá dựa trên nhu cầu và giá thu mua ngoài thị trường.
“Năm ngoái tôi bán ra thị trường chỉ được 8-9 tấn, sản phẩm bị hư nhiều vì ban đầu chưa biết rõ về thị trường cũng như cách sơ chế sản phẩm. Người dân trên Lâm Đồng còn trồng nhiều giống xen kẽ nhau nên chất lượng chưa đồng đều”, anh Quyền nói.
Nhà phân phối này cũng cho biết, trên Lâm Đồng cứ một ha mắc ca thì có hơn nửa giống hạt nhăn, nửa còn lại quả trơn, trong khi đó, khi thu hoạch người dân không ý thức được 2 giống này chất lượng khác nhau nên thu gom lẫn lộn. Do vậy, công ty buộc phải tốn thêm chi phí và thời gian để sàng lọc sản phẩm. Những quả hạt nhăn sẽ chế biến thành thực phẩm ăn được cho người sành ăn, còn quả trơn thì chủ yếu dùng để ép lấy dầu vì loại này bán ra thị trường ít người mua, chất lượng kém.
"Tuy sản phẩm đạt chất lượng còn thấp nhưng đầu năm nay giá mắc ca tại vườn của người nông dân bị đội lên quá cao, nếu năm trước chỉ vài chục nghìn một kg quả tươi thì nay họ đòi 180.000-200.000 đồng. Thực tế đây là giá ảo, bởi nếu mua với giá trên, sau khi trừ chi phí sơ chế, chế biến thì bán ra thị trường cũng 500.000 đồng một kg. Như vậy, rất khó có khách lựa chọn. Nên từ đầu năm đến nay dù rất nhiều khách đặt hàng nhưng chúng tôi chưa có sản phẩm để bán", anh Quyền nói.
Anh cũng cho biết thêm, bên cạnh việc khó khăn trong khâu thu gom chế biến, tính toán chi phí, thị trường còn bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc, giá chỉ bằng một nửa so với sản phẩm Việt là 200.000-250.000 đồng một kg. Mắc ca nhập từ Trung Quốc đa phần là quả có đường cưa cắt ngang, nhân vàng, vỏ cứng và chỉ giòn chứ không béo. "Hàng Trung Quốc dù không tốt bằng mắc ca Việt Nam, nhưng giá rẻ phần nào cũng khiến người tiêu dùng băn khăn", anh Quyền bộc bạch.
Dự báo về tương lai, anh Quyền cho rằng, nếu Nhà nước không có hoạch định cụ thể và định hướng cho nông dân thì mắc ca sẽ chung số phận với cà phê, ca cao hoặc gần nhất là hạt điều. Do vậy, để quy hoạch tốt mắc ca, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tình hình sát với thực tế, tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng dẫn nông dân thu hoạch và bảo quản đúng quy trình, giúp họ liên kết với doanh nghiệp sản xuất... Có như vậy, sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng và đầu ra tốt./.