SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ, SWIFT chịu sự giám sát của ngân hàng trung ương thuộc nhóm các nước G10 (Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Vương quốc Anh, Mỹ, Thụy Sĩ và Thụy Điển), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Bỉ. Trong đó, quyền giám sát chính thuộc về Ngân hàng Quốc gia Bỉ.
Với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế. Hiện SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thống kê cho thấy, đã có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi mỗi ngày thông qua SWIFT khiến nền tảng này trở thành mạng lưới thanh toán quan trọng nhất trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại. 291 thành viên ngân hàng của Nga nằm trong hệ thống SWIFT đại diện cho 1,5% luồng giao dịch. Con số này tương đương với khoản thanh toán trị giá khoảng 800 tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, SWIFT cho phép các công ty năng lượng của Nga nhận tiền bán dầu và khí đốt trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện được chủ yếu xử lý qua Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Trong đó, việc xử lý qua hệ thống SWIFT là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác. Theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2019, Việt Nam đứng thứ 15 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 54 các nước sử dụng SWIFT trên thế giới tính theo lưu lượng điện.
Đánh giá về tác động của việc Nga bị hạn chế tiếp cận hệ thống SWIFT, bà Phạm Thị Hoàng Anh (Học viện Ngân hàng) cho biết, mặc dù quốc gia này có thành lập mạng lưới thanh toán riêng nhưng rất ít ngân hàng nước ngoài tham gia vào mạng lưới này và quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, việc Nga bị ra khỏi SWIFT sẽ là "đòn giáng mạnh" tới xuất nhập khẩu của quốc gia này.
Trước đó, hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT từng ngắt kết nối các ngân hàng Iran vào năm 2012 khi Tehran bị EU trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Hậu quả là khiến Iran thiệt hại 50% doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% hoạt động thương mại nước ngoài.
Riêng đối với Việt Nam, việc Nga bị "cấm cửa" sẽ có tác động nhất định tới các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với quốc gia này. Mức độ tùy thuộc vào thương mại quốc tế Việt – Nga. Tuy nhiên, do thương mại quốc tế Việt – Nga không lớn mặc dù là đối tác chiến lược, nên mức độ tác động cũng không đáng kể.
Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga. Năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế bổ sung, trước đây có phương thức thanh toán telex nhưng cách thức này dễ bị gian lận, Mỹ bắt chuyển tất cả thanh toán sang SWIFT. Tất cả các thanh toán chính ngạch, chính thức, toàn thế giới đều phải thanh toán qua đó, không có phương thức nào khác.
"Ví dụ, Nga muốn xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải có tài khoản nào đó tại Vietcombank chẳng hạn. Vietcombank phải có tài khoản ở ngân hàng thanh toán quốc tế của Mỹ, ngân hàng của Nga cũng phải có tài khoản tại ngân hàng thanh toán quốc tế, và tiền được chuyển qua đó chạy về Nga.
Như vậy, một khi Nga bị "rớt" khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, không còn phương thức thanh toán nào khác cho các hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam – Nga, các doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu chính ngạch với Nga "đứt" hoàn toàn. Chẳng lẽ "ôm" tiền lên máy bay, có "ôm" cũng chẳng được bao nhiêu" ,TS Lê Xuân Nghĩa phân tích./.
TS.Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế: SWIFT tức là thanh toán quốc tế qua Ngân hàng quốc tế (Mỹ), vì vậy về nguyên tắc Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ để chống rửa tiền. Cấm Nga tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là đòn "tới bến" vào xuất nhập khẩu của Nga./.