Tại cuộc họp đề xuất cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn, nhằm bình ổn thị trường do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/5 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương cũng như Bộ NN&PTNT đều có chung quan điểm: Một trong những giải pháp có thể hỗ trợ tích cực cho việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hiện nay là cần đẩy mạnh việc giết mổ, lưu thông và tiêu thụ lợn thịt sạch, không bị nhiễm bệnh DTLCP và đã tới tuổi xuất chuồng.

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP - AFS) đã xảy ra tại 43 tỉnh, thành phố. Hiện dịch bệnh đã xuất hiện và lan rộng tại các tỉnh phía Nam gây lo ngại cho người chăn nuôi, người dân cũng như DN ngành chăn nuôi. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tính đến nay khoảng trên 1,7 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước.

Trước bối cảnh DTLCP đang tiếp tục hoành hành và diễn biến ngày càng phức tạp, cuộc họp giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT nhằm đề xuất cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn nhằm bình ổn cung cầu thị trường trong thời gian tới.

hai_jlmr.jpg
Đại diện Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương tại cuộc họp đề xuất cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn.

Theo đó, hai Bộ sẽ tổ chức hỗ trợ các DN trong việc triển khai thu mua, giết mổ cấp đông đối với các sản phẩm thịt an toàn đã được ngành nông nghiệp chứng nhận. Bên cạnh đó, các DN chăn nuôi có kế hoạch tái đàn sau dịch để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chia sẻ tại cuộc họp, nhiều DN cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người dân đang rất lo ngại về mức độ an toàn của sản phẩm thịt lợn, liệu khi DN bỏ một khoản chi phí lớn ra để thu mua thịt lợn rồi cấp đông, nhưng nếu có rủi ro không biết ai sẽ đứng ra bảo đảm quyền lợi cho DN.

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, việc tổ chức cấp đông thịt lợn là đáng hoan nghênh, nhà quản lý cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ DN về việc thuê  kho lạnh, hỗ trợ kiểm dịch, giảm tải các chi phí khác cho DN…

“Cần phải có cơ chế cụ thể trong việc bảo đảm quyền lợi cho DN, như vậy mới giúp DN yên tâm thực hiện việc cấp đông thịt lợn như đề xuất được đưa ra, bởi để thực hiện giải pháp này, chi phí mà DN bỏ ra là không hề nhỏ”, ông Dũng đề xuất.

Đồng tình với giải pháp cấp đông thịt lợn và cho rằng đây là giải pháp tối ưu trong bối cảnh “bão dịch” đang hoành hành, song ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai lo ngại, làm sao để tìm được kho cấp đông đạt tiêu chuẩn về cả diện tích cũng như nhiệt độ để trữ đông, đó là bài toán nan giải nhất hiện nay.

“Chúng ta thực  hiện cấp đông sẽ giảm rất nhiều chi phí so với việc tiêu hủy, bài toán kinh tế là rất rõ, nhưng cái khó nhất chính là tìm được kho cấp đông. Ngay cả các khu công nghiệp với diện tích lớn nhưng để đảm bảo được các tiêu chuẩn khác cho việc trữ đông thực phẩm thì thực sự khó”, ông Lộc quan ngại.

Một mũi tên trúng 3 đích…

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay các nước xung quanh Việt Nam cũng có DTLCP như Trung Quốc, Camphuchia, giá thịt lợn của họ vẫn đang giữ ở mức cao, cụ thể giá lợn hơi Trung Quốc hiện giao động khoảng trên 50.000 đồng/kg, Campuchia khoảng 58.000 – 60.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi tại nước ta hiện chỉ còn xoay quanh từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chăn nuôi bán tháo lợn để “chạy” dịch, khiến nguồn cung tăng cục bộ trong ngắn hạn. Điều này có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn vào những tháng cuối năm 2019 là hiển hiện. Đây là những khó khăn không nhỏ cho chính người chăn nuôi lẫn công tác phòng chống DTLCP.

Ông Dương cho rằng, với tình hình DTLCP đang ngày càng phức tạp và chưa có cách nào dập dịch triệt để, thì việc triển khai cấp đông thịt lợn được ví như “một mũi tên trúng 3 đích”.

“Khi chúng ta triển khai hỗ trợ DN thực hiện cấp đông thịt lợn, chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với chi phí để tiêu hủy lợn bị bệnh. Bên cạnh đó, không phải tiêu hủy lợn chết cũng đồng nghĩa môi trường sống không có nguy cơ bị ô nhiễm. Và người nông dân cũng không phải “dở khóc dở mếu” khi chứng kiến đàn lợn bị nhiễm dịch. Rõ ràng đây là giải pháp được lợi cho cả ngân sách Nhà nước, lợi cho cả DN cũng như bà con nông dân”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, giải pháp cấp đông thịt này không chỉ là giải pháp tình thế giải quyết nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong bối cảnh hiện nay, mà đây còn là giải pháp nên thực hiện lâu dài, góp phần không nhỏ vào mục tiêu dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm cho quốc gia. “Đây là vấn đề chúng ta phải nghĩ tới bởi năm 2019 này và những năm tiếp theo, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn là rất lớn”, ông Dương nói./.