Bloomberg cho hay, dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần có thể khiến các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) quyết tâm tiến hành một đợt tăng lãi suất lớn nữa vào cuối tháng 7 này.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được theo dõi chặt chẽ tăng gần 9% trong tháng 6 so với một năm trước đó, ghi nhận mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. So với hồi tháng 5, chỉ số CPI tăng 1,1%, đánh dấu tháng thứ 3 trong 4 tháng tăng tối thiểu 1%.
Những lo ngại về suy thoái đang gia tăng trong bối cảnh lạm phát liên tục tăng cao trên diện rộng. Điều này gây sức ép lên chính sách lãi suất của Mỹ và buộc các quan chức FED có thể sẽ phải nâng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản vào cuộc họp ngày 27/7 tới.
Dữ liệu mới nhất về lạm phát của Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 5 thập kỷ. Thị trường lao động thắt chặt đang giúp duy trì tăng trưởng tiền lương.
Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters thực hiện trong tuần qua, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát trong tháng 6 tại Mỹ là 8,7%, tăng từ mức kỷ lục 8,6% của tháng trước. Tăng trưởng CPI dự kiến sẽ ở mức 1% trong tháng 6 so với tháng 5, do giá năng lượng cao hơn.
James Knightley, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế quốc tế tại công ty dịch vụ tài chính ING Financial Markets cho biết, lạm phát thực có thể sẽ leo thang so với mục tiêu khi giá xăng dầu, thực phẩm, nhà ở và hàng không tiếp tục tăng. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản, bao gồm các mặt hàng như thực phẩm và năng lượng, dự kiến sẽ tăng 0,5%, giảm so với mức tăng 0,6% của tháng trước.
Lạm phát tại Mỹ được dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 3 năm nay, sau khi chỉ số giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên trong 8 tháng vào tháng 4, xuống 8,3%. Song, giá tiêu dùng tiếp tục tăng trong tháng 5, đạt mức 8,6% do giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.
FED đã tăng lãi suất vào tháng trước thêm 0,75 điểm phần trăm - mức cao nhất trong gần ba thập niên, và điều này có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.
Steve Englander, chiến lược gia trưởng tại ngân hàng Standard Chartered cho hay, có những dấu hiệu rõ ràng chỉ ra rằng, giá cả hàng hóa, không bao gồm thực phẩm, năng lượng và ô tô, đang chịu áp lực, nhưng có tỷ trọng rất thấp trong chỉ số giá tiêu dùng, có lẽ là 10-15%.
Chuyên gia Steve Knightley nhận định, chi tiêu tiêu dùng chậm lại có thể sẽ không ảnh hưởng đến số liệu lạm phát tháng 6, nhưng niềm tin tiêu dùng yếu, lãi suất cao hơn và lạm phát ảnh hưởng đến sức mua có thể gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng trong những tháng tới.
Tại cuộc họp ở Bali (Indonesia) vào ngày 15/7 tới, các bộ trưởng tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương G20 sẽ thảo luận về những thông tin mới nhất về lạm phát, rủi ro toàn cầu, cuộc chiến ở Ukraine, và vấn đề liên quan đến nợ.
Trước thềm các cuộc họp G-20 ở Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki.
Trên phạm vi toàn cầu, chính sách tiền tệ cũng đang được thắt chặt ở Canada, Chile, New Zealand và Hàn Quốc khi các nước này đều dự kiến tăng lãi suất lên ít nhất 50 điểm cơ bản.
Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ nhóm họp vào ngày 13/7 để bàn về việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Trong tuần này, Trung Quốc cũng sẽ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng, định hình triển vọng về chính sách tài khóa và tiền tệ cho những tháng cuối năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn./.