Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ lợi dụng mạng Internet và hệ thống thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn người, thì việc ra một nghị định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, Nghị định mới lần này liệu có bao quát hết các phạm vi hoạt động cũng như ngăn chặn được những hành vi lừa đảo như thời gian qua.
Theo ông Đặng Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin - Bộ Công thương, Nghị định 52 về thương mại điện tử có nhiều điểm mới đáng chú ý. Trước hết là quy định đối tượng tham gia thương mại điện tử khá rộng; hình thức hoạt động thương mại điện tử gồm: website thương mại điện tử bán hàng và cung cấp dịch vụ điện tử cùng những hình thức khác.
Nghị định cũng đề ra cách thức về quản lý thương mại điện tử: website thương mại điện tử bán hàng thì phải thông báo trực tuyến với Bộ Công thương; website cung cấp dịch vụ điện tử phải đăng ký và những dịch vụ thương mại đặc biệt phải được cấp phép.
Đặc biệt, với quy định về các nhóm hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thương mại điện tử, như sử dụng thương mại điện tử để huy động tài chính, bán hàng đa cấp qua mạng, mua bán hàng hóa không được phép…
Nghị định mới này sẽ ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng mạng Internet và hệ thống thông tin điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Điển hình như trường hợp các Công ty Mua bán 24, Tâm Mặt Trời hay Cộng đồng Việt trước đây, từng lừa đảo hàng chục nghìn người, với số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Nghị định 52 chưa đề cập đến các chế tài xử lý, mà việc này lại được quy định ở một nghị định khác.
Ông Đặng Hữu Linh cho biết: “Bên cạnh nghị định 52, Bộ Công thương cũng đang chủ trì soạn thảo nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó quy định cụ thể mức phạt. Trong năm nay sẽ trình Thủ tướng ban hành. Hiện về cơ bản nghị định nội dung và xử phạm tương đối bao phủ hình thái thương mại điện tử hiện nay. Còn thực tiễn phát sinh cần phải tiếp tục hoàn thiện chứ không thể nói trước Nghị định mới ban hành có thể đảm bảo điều chỉnh được hết hay không”.
Các doanh nghiệp cho biết, Nghị định mới chỉ giúp giải quyết được những bất cập đã bộc lộ trước đây, còn những vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử thì vẫn chưa xử lý hết được.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Thương mại điện tử Công ty VCCorp chia sẻ, công ty đã đi vào hoạt động thương mại điện tử được 6 năm, nên thấy rõ được các khó khăn trong quy định về chế tài, thanh toán điện tử, quy định về thời hạn giao hàng cho khách. Một số khó khăn trong quá trình vận hành website thương mại điện tử vẫn chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng. C
ũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Nghị định mới này mới giải quyết được khoảng 50% vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay: “Thực tế nghị định chưa thể quy định hết các vấn đề của cuộc sống được mà chỉ đưa ra những vấn đề tiêu biểu. Thương mại điện tử thay đổi hàng ngày, phải có thông tư hướng dẫn bổ sung giúp cho Thương mại điện tử vận hành trơn tru. Về xử phạt chưa biết bao nhiêu là đủ, hệ thống thanh toán chưa hoàn thiện. Ví dụ sàn giao dịch thương mại điện tử người mua người bán tự giao dịch với nhau bằng các hình thức thanh toán khác nhau rất khó xác định giá trị thực tế của giao dịch nên đấy cũng là vấn đề chưa giải quyết được”.
Nghị định 52 ra đời nhằm tiếp thu vấn đề nóng từ thực tiễn thời gian qua, để xây dựng khung khổ pháp lý và công cụ cần thiết cho các cơ quan nhà nước điều chỉnh tốt hơn hoạt động của thương mại điện tử.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, không thể kỳ vọng tất cả các vấn đề đều được đưa hết vào Nghị định 52, những thiếu sót, bất cập của Nghị định 52 sẽ được hoàn thiện dần trong quá trình vận dụng vào thực tế: “Trình độ thương mại điện tử của Việt Nam chưa đạt ngang tầm khu vực và thế giới. Các văn bản pháp quy cần từng bước hoàn thiện để phát triển thương mại điện tử bền vững. Bộ Công thương đang chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để ban hành, nhưng cũng không thể một sớm một chiều. Sau khi Nghị định 52 ban hành thì cũng cần có khoảng thời gian cho Nghị định đi vào cuộc sống, bộc lộ những vấn đề liên quan đến triển khai nghị định. Như vậy chúng ta có đủ cơ sở xây dựng nghị định hoặc văn bản pháp quy đầy đủ hơn điều chỉnh những điều còn thiếu hay những chế tài xử lý”.
Thương mại điện tử đang có những bước phát triển mạnh mẽ và thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các quy định pháp luật cũng cần được điều chỉnh sát với thực tế hơn.
Nghị định mới về thương mại điện tử sẽ có hiệu lực từ 1/7, còn Thông tư hướng dẫn hiện đang được soạn thảo để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống.
Nghị định mới cũng như thông thông tư hướng dẫn và chế tài xử phạt cụ thể đang được kỳ vọng là sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, trục lợi giúp thương mại điện tử phát triển lành mạnh, hiệu quả./.