Năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh Lạng Sơn đạt 62,43 điểm (giảm 1,36 điểm), tăng 1 bậc so với năm 2019, xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm điều hành trung bình của cả nước.
Trong năm 2020, những chỉ số cải thiện như chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, chi phí không chính thức… đã giúp doanh nghiệp cảm nhận và đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh Lạng Sơn đã được cải thiện, các loại chi phí không chính thức tiếp tục giảm, thể hiện qua các chỉ tiêu đo lường hiện tượng “tham nhũng vặt”, “chi phí bôi trơn” mà doanh nghiệp phải chi trả để được cấp giấy phép đã giảm rõ rệt; Công tác cải cách hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tiếp tục có sự cải thiện.
Tuy nhiên, qua báo cáo, với những tiềm năng lợi thế vốn có, tỉnh Lạng Sơn phải khắc phục những hạn chế, điểm yếu. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai là chỉ số thấp nhất so với các chỉ số thành phần của tỉnh Lạng Sơn. Đây là “nút thắt” mà tỉnh Lạng Sơn phải ưu tiên để cải thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với “sự năng động và sáng tạo” của một số lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý còn khó khan.
Ngoài ra, kết quả PCI năm 2020 cũng cho thấy doanh nghiệp chưa đánh giá cao nhất lượng xét xử các vụ án kinh tế của Tòa án các cấp, chưa tin tưởng vào hệ thống pháp luật khi giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình. Tỷ lệ doanh nghiệp bị mất trộm và tỷ lệ doanh nghiệp phải bảo kê cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn mặc dù thấp nhưng vẫn còn…
Theo kết quả điều tra của VCCI, có đến 82% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, qua đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Trong năm 2021, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu điểm chỉ số PCI đạt từ 65 điểm trở lên, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá. Trong đó tập trung cải thiện mạnh điểm số các chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí như Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đảng, Tính năng động của chính quyền tỉnh...
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Dịch bệnh tác động tiêu cực đến rất nhiều lĩnh vực, từ tiếp cận khách hàng, cho đến dòng tiền của doanh nghiệp, đến chuỗi cung ứng, việc tiếp cận vốn… Chính vì vậy những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải hiện nay nếu các Sở, ban ngành có thể nắm bắt, lắng nghe, kịp thời giải quyết một cách nhanh chóng, thấu đáo thì sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn, như vậy cũng góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới”./.