Là tỉnh biên giới, có nhiều cửa khẩu nối Việt Nam với Trung Quốc, giáp Tết vấn nạn buôn lậu càng “nóng” ở Lạng Sơn. Vì thế, các ngành chức năng đang tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Gác 24/24h…

Những ngày này, các ngả đường nối với khu vực cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn lượng người và xe tham gia vận chuyển hàng hóa tấp nập hơn nhiều. Trong đó, đông hơn cả là quốc lộ 1A nối từ thành phố Lạng Sơn đến cửa khẩu Tân Thanh và nhiều đường nối từ quốc lộ 1A đến cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng), cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình).

Tuy nhiên, năm nay các phương tiện không chạy “hỏa tốc” chở nhiều, chở nặng như mọi năm mà chở nhẹ hơn, tốc độ “điềm đạm” hơn khi qua các chốt kiểm soát. Thực tế này một phần do năm nay các lực lượng Biên phòng và Hải quan Lạng Sơn đã chủ động lập các lán chốt chặn trong rừng, trên các đường mòn, nơi thường có tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép để, ngăn chặn ngay từ biên giới. Do đó, các điểm vốn “nóng” về hàng lậu như Hang Dơi, Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, đường mòn Thác Ném (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng)… năm nay trầm hơn.

VOV_3521.jpg

Lượng xe ra vào các cửa khẩu tại Lạng Sơn những dịp Tết luôn tăng cao

Ông Nguyễn Văn Cầu, Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, đường tắt và các khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu, tập trung vào các mặt hàng có thuế suất cao và có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại lớn, đặc biệt là pháo nổ, tiền giả, tiền chất ma túy…”.  

Bên cạnh công tác ngành dọc, các cơ quan chức năng đang thường xuyên phối hợp liên ngành để chống buôn lậu từ cửa khẩu qua hoạt động cả công khai và bí mật suốt 24/24h tại các điểm “nhạy cảm”.

Ông Đặng Nam Cao, Trạm phó Trạm Biên phòng Tân Thanh cho biết: Lực lượng biên phòng cùng công an và hải quan tuần tra, kiểm soát suốt ngày đêm qua việc bố trí đội hình, chia lực lượng để xử lý các vụ việc ở các đường tắt, đường mòn và chi viện kịp thời khi cần.

“Vi phạm tinh vi, đấu tranh phải linh hoạt”

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cốc Nam, địa bàn của Cửa khẩu Cốc Nam thuộc huyện Văn Lãng và một số điểm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) có nhiều đường mòn, lối tắt, đồi núi hiểm trở, có đường quốc lộ 4A nằm sát đường biên giới.

Hơn nữa, tại cửa khẩu này, hàng hóa xuất nhập khẩu phải qua một lối mở đường biên, hàng hóa qua lại chủ yếu bằng sức người bốc vác, chưa thông đường ô tô. Trong các khu dân cư, nhiều hộ cho thuê địa điểm để tập kết hàng hoặc mở nhiều cổng “tẩu thoát” quanh nhà, sát đường biên giới nên thuận tiện cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hoạt động, gây khó khăn cho cho lực lượng chống buôn lậu. Trong khi đó lực lượng chức năng không thể lúc nào cũng tiếp cận được nhà dân để khám xét.

Do chưa thông xe ô tô nên tại cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn hàng háo vẫn phải mang vác bằng sức người

Bên cạnh đó, Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các đối tượng vận chuyển hàng lậu có xu hướng xé lẻ hàng, vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện và thường nhằm vào thời điểm ít lực lượng chức năng hoạt động trên đường như buổi đêm, sáng sớm. Vì thế việc phát hiện và xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Trước thực trạng này, các ngành chức năng phải phối hợp liên ngành và đấu tranh công khai thông qua các chốt kiểm tra, các đội tuần tra, vừa có lực lượng hoạt động bí mật thăm dò tình hình kết hợp làm công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh, tố giác đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Hữu Trí nhấn mạnh: “Phải hạn chế tối đa tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, kiên quyết không để hình thành đường dây, ổ nhóm, điểm nóng buôn lậu trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng, cùng phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan Hữu Nghị, Tân Thanh, Đội Thanh niên xung kích tỉnh Lạng Sơn, Đồn Biên phòng Tân Thanh và các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Văn Lãng ra quân đấu tranh phát hiện, bắt giữ, đặc biệt có lực lượng “nằm vùng” để nắm thông tin từ cơ sở”.

Còn ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho rằng, thời gian này đối tượng buôn lậu đang tăng lượng hàng hóa bát đĩa, nồi cơm điện, rượu, thuốc lá, đồ điện gia dụng, máy phát điện, pháo nổ… để thẩm thấu vào nội địa. Sau đó, các đối tượng buôn lậu lợi dụng các chợ giao thương biên giới kết nối với chủ hộ kinh doanh để trà trộn với hàng hóa có chứng từ hợp lệ rồi bán kiếm lợi cao.

Các xe ra vào cửa khẩu tại Lạng Sơn luôn được kiểm tra nghiêm ngặt

Theo Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, không chỉ kiểm soát chặt chẽ hàng lậu ngay từ cửa khẩu, các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, phối hợp với các lực lượng chức năng khác đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm trên các tuyến giao thông, đặc biệt là các hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép vào nội địa.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, năm 2011 hoạt động chống buôn lậu đã đạt kết quả tích cực. Đó là gần 700 vụ buôn lậu (trị giá trên 18 tỷ đồng) đã bị bắt giữ, trong đó có nhiều vụ vận chuyển ma túy, tiền giả, pháo nổ với giá trị lớn. Đặc biệt, so với mọi năm, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm nay tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản đã giảm.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Nam Cao, Trạm phó Trạm Biên phòng Tân Thanh: “Một nguyên nhân khiến người dân địa phương còn buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu là do đời sống còn khó khăn, thiếu việc làm. Do đó, ngoài việc lực lượng chức năng đấu tranh trấn áp tội phạm, các địa phương cần chủ động tăng cường phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho cư dân vùng biên nhiều hơn nữa để người dân giảm và dần bỏ buôn lậu để kiếm sống”./.