Một trong những điểm nóng về buôn lậu dược liệu trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn là khu vực các xã biên giới thuộc huyện Lộc Bình như Yên Khoái, Tú Mịch, Mẫu Sơn. Do lợi nhuận lớn, trong khi nhu cầu về nguồn dược liệu thị trường trong nước lại đang khan hiếm, các đối tượng buôn lậu đã tìm mọi cách để nhập lậu dược liệu qua biên giới. Chỉ tính từ tháng 7/2020 đến nay, Đồn Biên phòng Chi Ma (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) đã phát hiện gần 100 vụ vận chuyển dược liệu trái phép, thu giữ hơn 5,3 tấn dược liệu các loại.
Lợi dụng đêm tối, các vị trí hiểm trở tại một số đường mòn, lối mở, các đối tượng người Trung Quốc “ném” những bao thuốc bắc, dược liệu qua hàng rào biên giới từ bên phía Trung Quốc sang phía Việt Nam, sau đó thuê cư dân biên giới mang, vác vào kho để tập kết, vận chuyển vào sâu trong nội địa để tiêu thụ.
Thiếu tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết, đơn vị quản lý đoạn biên giới dài 16km, lực lượng mỏng không thể giăng kín hết địa bàn dẫn tới hoạt động buôn lậu, vận chuyển dược liệu trái phép qua địa bàn thời gian qua diễn biến vô cùng phức tạp.
“Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các vị trí chúng tôi triển khai chốt chặn chỉ có từ khoảng 2-3 người. Khi tổ chức bắt giữ hàng, các đối tượng buôn lậu tại đây thường xuyên phản kháng, tranh giành, giành giật lại hàng, gây khó khăn cho lực lượng Biên phòng. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng lợi dụng lúc đêm tối, địa hình hiểm trở, xung quanh toàn là đồi núi, chỉ cần bắc thang sát vào hàng rào là họ đã có thể ném hàng qua”, Thiếu tá Lý Văn Tý nói.
Bên cạnh hoạt động buôn lậu, thời điểm cuối năm cũng là lúc nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, phân luồng của lực lượng Hải quan để gian lận thương mại, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Việc “khai một đằng, hàng hóa bên trong một nẻo” cũng đặt ra không ít thách thức đối với lực lượng Hải quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu. Đơn cử như trong quá trình thu thập thông tin hồ sơ doanh nghiệp, số lượng thông tin phản hồi còn hạn chế, không đầy đủ; nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động hay sự phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa các tổ, đội chưa chặt chẽ, kịp thời nên chưa đưa ra được các cảnh báo rủi ro, các thông tin về dấu hiệu rủi ro trong việc quản lý hàng hóa vi phạm.
“Chúng tôi còn gặp khó khăn trong việc quản lý ngoại hình hàng hóa tạm nhập tái xuất và hàng quá cảnh tại cửa khẩu vì chủ yếu các loại mặt hàng này đóng 100% trong các container thùng kín, hàng hóa thì thường bàn giao nguyên trạng. Nếu bằng mắt thường thì mở những công hàng này rất là khó. Khi container sang, việc giám sát hàng hóa hiện tại chúng tôi vẫn chủ yếu thực hiện bằng công tác nắm tình hình. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ từng bước sử dụng máy soi container để soi chiếu những mặt hàng này, để đảm bảo kịp thời ngăn chặn những vụ việc có dấu hiệu vi phạm", ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn) cho biết thêm./.