“Hiện đã có 36/38 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả rà soát các công trình thủy điện. Bộ Công thương cũng đã cùng UBND các tỉnh xem xét, tiếp tục loại bỏ 12 dự án thủy điện nhỏ. Các dự án đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư tiếp tục được rà soát để đánh giá, điều chỉnh hoặc loại bỏ khỏi quy hoạch theo Nghị quyết số 62 của Quốc hội”.

Ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết thông tin tại Hội nghị giữa kỳ đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Thủy điện nhỏ hay xảy ra sự cố

Bộ trưởng Bộ Công Thương – Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, hầu hết các chủ đập đều thực hiện nghiêm túc quy địnhh của pháp luật về quản lý an toàn đập, các hồ chứa thủy điện đã vận hành tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và các yêu cầu của cấp có thẩm quyền đối với các hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, chủ động cắt giảm cũng như đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân hạ du.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất dưới 30MW chưa thực hiện đầy đủ các quy định này. Cụ thể, mặc dù đã bắt đầu vào mùa mưa bão, nhưng hiện nay mới có 80 đập được kiểm định hoặc tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của hồ chứa trên tổng số 154 đập đã đến hoặc quá kỳ kiểm định, kiểm tra. Còn tới 53 đập chưa thực hiện việc tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của hồ chứa.

thuy_dien2311_sdbv.jpg
Khu dự án Thủy điện Bồng Miêu (Quảng Ngãi) đã bị loại bỏ. (Ảnh: petrotimes.vn)
Một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với an toàn hồ đập, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du, đó là việc lập và thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa cũng như đánh giá tác động của việc điều tiết hồ chức trong mùa lũ và mùa kiệt với hạ du. Thế nhưng, cho đến nay, mới có 6 quy trình vận hành liên hồ trên tổng số 11 lưu vực sông được phê duyệt.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Hoàng Văn Nhân, quy trình lập và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa trong mùa lũ cũng như mùa kiệt cần đặc biệt được chú trọng. Các công trình thủy điện luôn phải điều hòa được lợi ích giữa các bên liên quan, trong đó chú trọng tính an toàn cho người dân trong vùng thủy điện cũng như người dân sống trong vùng hạ du.

“Việc điều chỉnh mức nước cốt hồ là việc làm phải cân nhắc và tính toán kỹ, bởi mực nước hồ chứa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân các địa phương quanh vùng thủy điện”, ông Nhân nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu lại cho rằng, hiện nay hệ thống cảnh báo lũ cho vùng hạ du tại các nhà máy thủy điện còn được thực hiện quá thủ công, chưa mang tính chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy nhất thiết cần đầu tư hệ thống cảnh báo lũ hiện đại trên các hệ thống sông, hồ thủy điện, nhất là đối với mô hình thủy điện bậc thang.

“Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương người dân di dời phục vụ mục đích lớn cho việc xây dựng các công trình thủy điện. Thế nhưng khi nhìn lại, hầu hết cuộc sống của người dân đều gặp nhiều khó khăn do chính sách đền bù, di dân tái định cư còn nhiều bất cập. Chúng ta đừng để cho người dân nghĩ rằng, cứ nhường đất làm thủy điện là sẽ gặp khó khăn, địa phương đóng góp cho thủy điện càng nhiều thì người dân càng nghèo”, ông Quảng phân trần.

Đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết

Bày tỏ mối lo lắng trước thực trạng thủy điện tại địa phương, ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, hiện trên địa bàn tỉnh còn 63 dự án thủy điện lớn nhỏ. Tuy nhiên, dòng sông Ba hiện nay trong mùa lũ và mùa kiệt đều trong tình trạng thiếu nước, kèm theo việc ô nhiễm môi trường khiến đời sống sinh hoạt của người dân hạ du hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Lâm Thành, thành viên Hội đồng dân tộc Quốc hội cho biết, cần quan tâm đến đời sống của người dân địa phương có thủy điện, luôn đặt vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết. Đối với việc chi trả môi trường rừng hiện nay cần được tính theo giá thành bán điện, kinh phí chi trả cần được phân bổ theo khu vực, người dân có đóng góp nhiều cần được phân bổ nhiều để đảm bảo tính công bằng.

“Bộ NN&PTNT trong 8 năm nay chưa ban hành được chính sách hậu tái định cư cho người dân tại các vùng xây dựng thủy điện, điều này cần phải làm ngay đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Thành chỉ rõ.

Theo ông Lê Hồng Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước& nguồn nước sạch - Bộ NN&PTNT, hiện nay các hồ thủy điện nhỏ mới chỉ đạt được lợi ích trong phát điện nhưng việc phòng chống và cắt lũ không đạt được. Do đó, cần bổ sung phần dung tích phòng lũ bắt buộc để không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ phát điện mà phải đảm bảo công trình đa mục tiêu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, trong nửa kỳ triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, các Bộ, ngành, địa phương đã có sự phối hợp cũng như có sự thống nhất cao hơn. Tuy nhiên, việc nhận thức cũng như vai trò điều hành các dự án thủy điện nhiều khi khác nhau, nhiều nơi còn chú trọng khâu phát điện, coi thường chỉ tiêu an toàn và tính mạng của người dân.

“Đối với các quy định hướng dẫn các nội dung liên quan đến quy trình vận hành liên hồ chứa có lẽ nên có cuộc trao đổi kỹ hơn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các địa phương, bởi vì nếu chẳng may xảy ra sự cố nào đó đối với một liên hồ chứa thì trách nhiệm là trách nhiệm chung, nhưng mà phải có người chịu trách nhiệm và đảm bảo để làm sao thực hiện đúng quy trình”,  Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, cần phải siết chặt hơn nữa các khâu trong xây dựng và khai thác công trình thủy điện. Càng những công tình nhỏ thì sơ suất lại càng lớn do chủ đầu tư thiêu kinh nghiệm, không tuân thủ các quy trình xây dựng cũng như vận hành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, giữa lợi ích phát điện với việc cấp nước tại các dự án thủy điện phải được cân đối hài hòa. Trong đó, an toàn thủy điện phải được coi trọng và lợi ích của người dân vùng hạ du phải được đặt lên hàng đầu, việc phát điện phải đặt sau lợi ích của người dân vùng hạ du./.