Liên tục báo lỗ trong nhiều năm, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị… Nghịch lý được Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng phát hiện các doanh nghiệp chuyển giá để lách luật, lách thuế, mà chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến từ Đài Loan chuyên sản xuất, chế biến xuất khẩu chè ô long.

Theo bà Phan Thị Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, giá chè thành phẩm xuất khẩu do các doanh nghiệp có hành vi chuyển giá kê khai trong năm 2010, mức bình quân 5,9 USD/kg. Sau khi bị cơ quan thuế phát hiện và yêu cầu doanh nghiệp xác định lại giá xuất khẩu phù hợp nhất với thị trường, đã có 10 trong tổng số 15 doanh nghiệp tự điều chỉnh tăng giá bán chè xuất khẩu lên, bình quân 8,4 USD/kg.

Thế nhưng vẫn có 5 doanh nghiệp từ chối thực hiện xác định lại giá xuất khẩu phù hợp theo giá thị trường đối với giao dịch liên kết phát sinh trong năm, đó là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà King  Lộ, Tứ Hải, Hsieh Hsin, Triệu Minh, TFB Việt Nam. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã ấn định giá bán chè thành phẩm xuất khẩu các doanh nghiệp ở mức 8,0-8,2 USD/kg.

Tổng cộng, Cục Thuế Lâm Đồng đã xử lý 15 doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, tăng thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này trong năm 2010 từ 52 tỉ đồng lên hơn 74 tỉ đồng; truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và xử phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 4,9 tỷ đồng.

Bà Phan Thị Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng cho biết: “Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ thường xuyên hướng dẫn tập huấn, tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhất là trong giá bán hàng xuất khẩu, công ty mẹ ở nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp cố tình vi phạm, vi phạm có tổ chức bị nhắc nhở nhiều lần nhưng không sửa chữa, chậm sửa chữa, cơ quan thuế sẽ xử lý đúng quy định, của pháp luật”.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành chức năng địa phương tiếp tục thực hiện chống chuyển giá đối với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc lĩnh vực chế biến, sản xuất và xuất khẩu chè, tạo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; đồng thời xem xét dừng cấp phép bổ sung vốn đầu tư đối với những doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh lỗ liên tục qua nhiều năm.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang lỗ giả lãi thật, gây thất thu rất lớn cho ngân sách quốc gia. Thực tế cho thấy, pháp luật về thuế của Việt Nam vẫn còn những kẽ hở để nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng, đặc biệt chưa có văn bản quy phạm pháp luật kiểm soát giá bán xuất khẩu và những chế tài đối với các đơn vị có hành vi chuyển giá để lách thuế./.