Mục tiêu điều hành kinh tế được Chính phủ đề ra trong năm 2012 là tăng trưởng kinh tế hợp lý và mục tiêu cho năm 2013 là tăng trưởng cao lên, lạm phát tiếp tục thấp đi. Để làm được điều này, cần tiếp tục phát huy được những kết quả tích cực trong năm 2012, khơi thông nhanh những điểm nghẽn của nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt được kết quả tích cực trên nhiều điểm, nhưng có thể “quy” về 3 điểm chủ yếu.
Phát huy 3 điểm sángThứ nhất, tăng trưởng kinh tế “rơi xuống đáy” vào quý I, nhưng từ quý II đã bắt đầu “thoát đáy” “vượt dốc đi lên” với quý sau tăng cao hơn quý trước. Đạt được kết quả này nhờ từ giữa quý II, Chính phủ đã có Nghị quyết 13/NQ-CP với những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.Tăng trưởng GDP năm 2012
Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Những giải pháp này đã có sự kết hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Về tài khoá, các biện pháp cắt, giảm, giãn một số khoản thu ngân sách lên đến gần 30.000 tỷ đồng đã hỗ trợ cho gần 70% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Sau đó, Chính phủ đã quyết định ứng trước vốn đầu tư từ ngân sách 2013 với tổng số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng.
Về tiền tệ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã hạ khá nhanh trần lãi suất huy động từ 14%/năm xuống còn 8%/năm (đối với kỳ hạn dưới 1 năm); chỉ đạo hạ lãi suất cho vay từ trên 15%/năm xuống còn 12- 13%/năm đối với một số lĩnh vực ưu tiên, vận động hạ lãi suất cho vay cao nhất còn 15%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã đánh giá đúng mức hơn vai trò của tỷ giá, đã chỉ đạo ổn định tỷ giá, thay đổi phương thức điều chỉnh từ khoảng 6 tháng điều chỉnh 1 lần với mức điều chỉnh khá cao sang giữ ổn định hàng năm đối với tỷ giá giao dịch liên ngân hàng.
Gần đây, xác định các điểm nghẽn lớn của nền kinh tế gồm nợ xấu, tồn kho, bất động sản, nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và cụ thể hơn các giải pháp để tháo gỡ.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng trưởng không cao, nhưng góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế- xã hội trên nhiều mặt.
Sản lượng lúa, nhiều loại cây trồng, sản lượng gỗ, củi và sản lượng thuỷ sản đạt đỉnh cao mới. Giá lương thực giảm trong nhiều tháng liền và tính chung cả năm vẫn còn giảm sâu, giá nhiều loại nông sản giảm, giá thực phẩm giảm trong nhiều tháng và tính chung cả năm tăng thấp, đã góp phần vào sự thành công của công cuộc kiềm chế lạm phát.
Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông, lâm- thuỷ sản đạt kỷ lục mới, vượt lên xếp thứ hạng cao trên thế giới; góp phần tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán của cả nước.
Nông nghiệp, nông thôn góp phần vào việc thu hút trở lại số lao động bị mất, thiếu việc làm ở các doanh nghiệp, làng nghề, khi những đơn vị này bị ngừng hoạt động, phá sản và thu hẹp sản xuất kinh doanh.Nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tuy tăng thấp, nhưng tốc độ tăng tồn kho sản phẩm đã chậm lại, kỳ vọng nhóm ngành này sẽ “thoát đáy vượt dốc đi lên” khi các điểm nghẽn về nợ xấu, về tồn kho, về bất động sản được tháo gỡ.
Nhóm ngành dịch vụ tăng cao nhất trong 3 nhóm ngành và tăng cao hơn tốc độ chung. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tuy bị chậm lại so với bình quân thời kỳ 2006- 2011 (6,4% so với 15%), nhưng đã cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội, trong đó đã tăng cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng GDP và tỷ lệ xuất khẩu/GDP đạt đỉnh mới (trên 82,5%), đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, mức tăng trưởng GDP 5,03% có thể được coi là hợp lý trong năm nay xét trên hai mặt. Một mặt là phù hợp với những khó khăn ở đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP năm nay ước đạt 33,5%, thấp hơn so với tỷ lệ 34,6% của năm 2011 và còn thấp hơn nữa so với tỷ lệ 42,7% bình quân thời kỳ 2006- 2010. Ở đầu ra, thì tốc độ tăng tiêu thụ trong nước bị chậm lại, làm cho tồn kho tăng cao.
Mặt khác, tốc độ này đã đạt được trong quá trình chuyển đổi tư duy, trong những bước khởi đầu của công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng.
Cần khắc phục 3 điểm nghẽn lớn nhất
Tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu năm 2013 là phải đạt cao hơn năm 2012. Để đạt được mục tiêu này, cần phải khắc phục những hạn chế bất cập và những điểm nghẽn lớn hiện nay.
Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, sau nhiều năm tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 nhóm ngành, thì năm nay là năm thứ 2 tăng thấp hơn tốc độ chung, trong đó công nghiệp chế biến là ngành công nghiệp đặc trưng nhất của một nước công nghiệp, lại tăng thấp hơn (4,5%), và ngành xây dựng là ngành tạo ra các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội tăng rất thấp (2,09%). Có nhiều điểm nghẽn cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng vừa ở mức cao, vừa kéo dài, vừa có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xử lý, có thể bao gồm 3 điểm lớn nhất.
Một là,nợ xấu ở mức khá cao, cản trở tốc độ tăng trưởng tín dụng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương và giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn này. Tuy nhiên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng. Cần xác định chính xác tổng số nợ xấu ở từng ngân hàng thương mại chủ nợ, từng ngành, lĩnh vực và những đơn vị đi vay có nợ lớn.
Các ngân hàng thương mại cần chủ động cơ cấu lại nợ, cần sử dụng tối đa nguồn trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại (nếu không đủ phải dùng đến vốn điều lệ để bù đắp và buộc phải giảm mức tiền thưởng). Tổ chức tín dụng (chủ nợ) và doanh nghiệp có nợ khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu... Việc xử lý cần khẩn trương, cần có sự đồng thuận.
Hai là doanh nghiệp cần giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hạ giá thành, giá bán nhằm tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay, có cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoanh nợ hoặc bảo lãnh nợ, áp trần lãi suất cho vay. Mở rộng tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng. Hỗ trợ xi măng, sắt thép cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở cho hộ nghèo (Bộ Tài chính đã đề nghị các giải pháp tài chính, như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp).
Ba làChính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường này. Tuy nhiên cần chú ý một số điểm. Mục tiêu là làm “ấm dần thị trường bất động sản” chứ không làm cho các nhà đầu tư, đầu cơ kỳ vọng nóng, sốt như đã từng xảy ra
Khơi thông thị trường, nhưng không làm tăng lạm phát. Đòi hỏi phải có sự nỗ lực về nhiều phía. Các doanh nghiệp phải hạ giá nhà về giá trị thực. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khoá./.