Kết quả khảo sát gần đây về mô hình kinh tế chia sẻ của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, chỉ có 18% người được hỏi tại Việt Nam từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới.

Trong khi đó, lại có tới 76% người Việt Nam được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, cao hơn rất nhiều so với con số 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu.

Trên thực tế, từ năm 2014, sự thâm nhập của một số doanh nghiệp thuộc loại hình kinh tế chia sẻ (Taxi Uber, Grab…) chính là sự khởi xướng cho mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

ubergrab1_1_vzdf.jpg
Uber và Grab bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy. (Ảnh minh họa: KT)
Mặc dù chỉ thâm nhập vào thị trường trong nước một thời gian rất ngắn, Uber, Grab đã làm khuấy đảo thị trường vận tải của Việt Nam, khiến cho các hãng taxi truyền thống tìm cách hợp nhau lại để đưa ra những giải pháp cạnh tranh với các hãng taxi hiện đại.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tất cả những động thái đó đều không có ý nghĩa. Lời khuyên được đưa ra để cạnh tranh lại với các hãng taxi hiện đại, chính là việc các hãng taxi truyền thống cũng phải ứng dụng công nghệ hiện đại, tận dụng mọi cơ hội của nền kinh tế chia sẻ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đến nay, nhiều hãng taxi truyền thống đã thay đổi phương thức hoạt động, họ đang nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đưa ra những chiến dịch cạnh tranh một cách bài bản, cạnh tranh một cách lành mạnh bằng chính năng lực của mình.

Các công ty nhận thức được rằng, phát triển công nghệ là xu hướng tất yếu, và chỉ có áp dụng công nghệ mới có thể nâng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Không chỉ riêng với lĩnh vực vận tải, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, một nền kinh tế phát triển phải là nền kinh tế có sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Ở cuộc chơi đó, kẻ nào ngồi yên, không vận động, không theo kịp sẽ bị đào thải./.