Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 về chiến lược biển, năm 2011 Tỉnh uỷ Kiên Giang đã ban hành chương trình hành động về phát triển kinh tế biển. Theo đó, mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để thực hiện chiến lược kinh tế biển.

Qua hơn 10 năm phát triển, kinh tế biển của Kiên Giang phát triển khá toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng kinh tế biển đạt 11,4%/năm và chiếm tỷ trọng 73,3% GDP toàn tỉnh.     

Vài năm gần đây, huyện đảo Kiên Hải nổi lên trong phát triển kinh tế biển, chỉ sau huyện đảo Phú Quốc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ như kéo điện lưới quốc gia ra đảo, xây dựng đường quanh đảo, đặc biệt hệ thống giao thông vận tải từ đất liền ra đảo được thông thoáng, thuận tiện đã thúc đẩy kinh tế của huyện đảo phát triển nhanh chóng. Du lịch và dịch vụ đã trở thành thế mạnh hàng đầu của huyện.

vov_kt1_ncwd.jpg
Nghề nuôi cá lồng bè trên biển Kiên Giang ngày càng phát triển.
Nếu như năm 2015 toàn huyện chỉ có 21 nhà nghỉ, thu hút khoảng 40.000 khách du lịch, thì hiện nay đã có khoảng 173 nhà nghỉ, khách sạn với hơn 1.000 phòng. 9 tháng đầu năm lượng khách du lịch đến với huyện đảo hơn 230.000 khách.

Trước đây, huyện rất khó huy động nguồn lực xã hội, từ khi huyện cụ thể hoá đề án phát triển kinh tế biển bằng kế hoạch, chương trình cụ thể thì huy động nguồn lực xã hội tăng nhanh, dự kiến đến cuối năm nay đạt gần 1.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 3 của tỉnh. 

Ông Huỳnh Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải cho biết, để phát triển kinh tế biển ở địa phương, thời gian tới đây, tỉnh ập trung hoàn chỉnh sách quy hoạch từ đây đến năm 2020, trong đó lập bản đồ địa chính đất giúp việc quản lý đất đai thuận tiện hơn.

“Trong quy hoạch du lịch, tỉnh thuê đơn vị tư vấn nước ngoài từ Canada, kết hợp quy hoạch xây dựng định hướng cho phát triển của đảo phát triển bền vững. Riêng quy hoạch định hướng này có tính ổn định trong 100 năm”, ông Sơn nói rõ.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, hải đảo và ven biển của tỉnh đạt hiệu quả, Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các ngành chức năng cụ thể hoá bằng 110 dự án, đề án thực hiện đến năm 2020. Các huyện ven biển, hải đảo đã cụ thể hoá bằng các kế hoạch, chương trình phù hợp với thực tế của địa phương và triển khai, quán triệt cho các cán bộ chủ chốt của huyện, xã đến tổ nhân dân tự quản.  

Nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất khẩu thuỷ sản là thế mạnh của Kiên Giang trong phát triển kinh tế biển. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Nuôi trồng thuỷ sản vùng ven biển phát triển khá nhanh và đa dạng. Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cũng được tập trung đầu tư theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, trong đó thuỷ sản là sản phẩm chủ lực. Năm 2017 giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 470 triệu USD/năm.

Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo được quan tâm đầu tư như các công trình giao thông, thuỷ lợi, hệ thống cảng biển, trường học, trạm y tế cho các xã ven biển và các dự án phát triển du lịch được triển khai đã tạo đà cho kinh tế biển phát triển mạnh.

Giai đoạn từ năm 2011 - 2015, các nguồn lực được dồn cho phát triển kinh tế biển, trong đó huy động vốn đầu tư gần 137.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhờ vậy mà kinh tế biển có nhiều chuyển biến tích cực. 

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, trong giai đoạn từ 2015- 2018 tổng vốn huy động toàn xã hội gần 63.500 tỷ đồng, đạt 73,76%, tăng 4 lần so với nửa nhiệm kỳ trước và tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ.

“Tỉnh quan tâm chỉ đạo và tập trung nhiều nguồn lực cho Phú Quốc, đặc biệt là đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển thương mại - dịch vụ làm cho kinh tế Phú Quốc tăng trưởng nhanh, tác động tích cực đến thúc đẩy kinh tế chung của tỉnh. Kinh tế của Phú Quốc tăng trưởng rất cao, khoảng 40,73% so với đầu nhiệm kỳ , bình quân tăng hàng năm 12%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1%”, ông Huỳnh nói.

Du lịch biển đảo mấy năm gần đây đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Kiên Giang. Ngoài du lịch nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Kiên Giang đang phát triển thêm du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hoá Ở Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên và Rạch Giá.

Tỉnh cũng đã đầu tư phát triển cho một số nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nhằm làm đa dạng các sản phẩm hàng hoá mua sắm, quà lưu niệm mang nét đặc trưng của vùng đất Kiên Giang. Tổng doanh thu của ngành du lịch trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt gần 4.700 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Kiên Giang đã thu hút được 294 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 343.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Quốc Thái, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho rằng, ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Du lịch quan tâm nhất là về vấn đề môi trường. Hiện nay UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho Sở KHCN đầu tư các lò đốt rác trên các đảo, đang đi vào hoàn thiện và có xe thu gom rác.

Tuy đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, nhưng so với điều kiện và tiềm năng của tỉnh Kiên Giang thì phát triển kinh tế biển vẫn còn hạn chế, chưa thật sự bền vững. Nhất là môi trường sinh thái vùng biển, ven biển ở một số nơi bị ô nhiễm nặng, chưa có biện pháp xử lý khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm phát triển ngành nghề và nâng cao đời sống nhân dân ven biển, hải đảo; đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực đủ sức quản lý, điều hành phát triển kinh tế biển và giữ gìn, bảo vệ môi trường biển./.