Ai Cập vẫn luôn được coi là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam và là cửa ngõ cho hàng Việt Nam vào thị trường châu Phi. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Ai Cập cũng bị ảnh hưởng nhưng gần như vẫn giữ ổn định so với các năm trước và một số mặt hàng có triển vọng tăng trưởng.

Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Ai Cập có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Cơ quan thương Vụ Việt Nam tại Ai Cập về những khó khăn và cách thức thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, châu Phi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động mạnh tới xuất khẩu.

PV: Thưa ông, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào tới trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Ai Cập và khu vực Trung Đông, Châu Phi?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Đây là một câu hỏi mở và khó có câu trả lời đầy đủ, tuy nhiên theo quan điểm của tôi, đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng sâu rộng, đang tác động và làm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-Châu Phi theo cả 2 chiều hướng tiêu cực và tích cực.

Về mặt tiêu cực, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam 11 tháng của năm 2020 cho thấy, ngoại trừ Saudi Arabia, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực như Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều ghi nhận mức giảm khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Đối với Ai Cập nói riêng, các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ đặc biệt trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến tháng 6/2020 như ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cấm các hoạt động tụ tập đông người, đóng cửa các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí… nên nền kinh tế Ai Cập bị ảnh hưởng khá nặng nề, sức mua sắm, tiêu dùng suy giảm dẫn đến kim ngạch trao đổi thương mại giảm sút.

Nếu nhìn vào số liệu xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng do Tổng cục Hải quan Việt Nam đã công bố, mặc dù có sự hồi phục tốt trong các tháng cuối năm 2020, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2020 đạt hơn 400 triệu USD, vẫn giảm 5% so với cùng kỳ của năm 2019, trong đó, có những mặt hàng thiết yếu có mức sụt giảm lớn như: thực phẩm, thủy sản giảm 24,7%, rau quả giảm 42%, hay như điện thoại và linh kiện giảm 18,5%.

Tuy nhiên, mặt tích cực lại xuất phát từ chính vấn đề về cung ứng hàng hóa trong giai đoạn dịch bệnh dẫn đến xu hướng Ai Cập phải đa dạng hóa các nhà cung cấp từ nhiều nước nhằm tránh phụ thuộc nguồn hàng vào một quốc gia nhất định. Đặc biệt, Ai Cập là quốc gia nhập siêu, nhiều mặt hàng phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Do đó, chúng ta lại có những cơ hội mới đến với DN Việt Nam để mở rộng và tăng kim ngạch và thị phần đối với nhiều mặt hàng tiềm năng.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng của Việt Nam lại có sự tăng trưởng ấn tượng, chúng tôi phải kể đến như hạt điều tăng 49%, hạt tiêu tăng 16,5%, cà phê tăng 14% hay máy móc thiết bị tăng gần 20%.

PV: Vậy, thưa ông, theo Cơ quan thương Vụ Việt Nam tại Ai Cập, những mặt hàng nào, doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực gì có lợi thế cạnh tranh hoặc được thị trường Ai Cập, Trung Đông, Châu Phi quan tâm hơn khi mà các nước vừa ứng phó với dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động thương mại quốc tế?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Mặc dù cơ cấu xuất khẩu của 2 nước có nhiều điểm tương đồng, ví dụ như hàng nông sản đều là thế mạnh của mỗi nước, tuy nhiên đây cũng là điểm có thể bổ trợ cho nhau do mỗi nước lại có mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh xuất khẩu riêng. Đối với Việt Nam, ngoài những mặt hàng đã có chỗ đứng trên thị trường như hạt tiêu, hạt điều thì còn nhiều sản phẩm khác doanh nghiệp Việt vẫn có thể cải thiện được thị phần tại thị trường Ai Cập như: chè, cà phê và gạo.

Về thủy sản, ngoài phi lê cá tra, cá ba sa của Việt Nam, DN Ai Cập hiện đang rất quan tâm đến mặt hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Năm 2019, Ai Cập nhập khẩu 162 triệu USD mặt hàng này nhưng Thái Lan là nước cung cấp chính chiếm 145 triệu USD. Mặc dù đứng thứ 2 nhưng Việt Nam lại chỉ chiếm 5,6% thị phần với khoảng 9 triệu USD.

Một mặt hàng khác DN Việt Nam có nhiều tiềm năng để xuất khẩu là tôm đông lạnh. Năm 2019, Ai Cập nhập khẩu 164 triệu USD tôm đông lạnh nhưng chủ yếu từ U.A.E chiếm đến 89%, tiếp sau là Saudi Arabia (7,6%), trong khi đó giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh Việt Nam sang thị trường không đáng kể, vào khoảng 180.000 USD theo số liệu của Hải quan Việt Nam.

Trong lĩnh vực dệt may thì xơ, sợi nhân tạo, sợi dạng vải với thuế nhập khẩu vào Ai Cập từ 5-10%, nên doanh nghiệp có thể tăng kim ngạch xuất khẩu do hiện tại Việt Nam mới chỉ xuất khẩu khoảng 60 triệu USD sang thị trường, trong khi Ai Cập nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD trong năm 2019 chủ yếu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác mà Việt Nam có thế mạnh như các sản phẩm đồ gỗ, ván ép dùng trong gia dụng và xây dựng… (do Ai Cập hầu như không có rừng tự nhiên), các sản phẩm từ cao su tự nhiên như lốp xe ô tô. Các mặt hàng công nghiệp chúng ta cũng chưa khai phá tốt tiềm năng thị trường như: thiết bị, phụ tùng xe ô tô, dây chuyền, máy móc thiết bị phục vụ các ngành sản xuất của Ai Cập, …

PV: Vậy cơ quan bộ ngành hai bên cũng như doanh nghiệp hai nước cần làm gì để nỗ lực đạt mục tiêu 1 tỉ USD kim ngạch song phương nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, đại dịch như hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Một số nước trong khu vực ASEAN đã có kim ngạch song phương với Ai Cập từ nhiều năm trở lại đây đạt ổn định trên 1 tỷ USD như Indonesia, Thái Lan. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam và Ai Cập đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm vào tháng 9/1963, hai nước đã ký Hiệp định về Thương mại từ 5/1994 và nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế sau đó cũng như Chính phủ 2 nước đã hướng đến mốc 1 tỷ USD từ nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên tổng kim  ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Ai Cập năm 2019 là mức cao nhất mới chỉ đạt gần 500 triệu USD. Dự báo năm 2020, do đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn chưa thể vượt qua được con số này.

Như vậy, có thể thấy tiềm năng thương mại giữa 2 nước vẫn chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra mục tiêu kim ngạch 1 tỷ USD bền vững trong vòng 3-5 năm tới nếu có sự chuẩn bị tốt cho dài hạn.

Về phía các bộ ngành, tôi cho rằng hai bên cần nỗ lực thúc đẩy việc ký kết các văn bản nhằm kích hoạt các điều khoản trong các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết cũng như mở cửa cho hàng hóa nông sản của nhau xâm nhập thị trường. Nhiều mặt hàng nông sản của phía bạn như: khoai tây, hành tây, các loại trái cây có thể là sự lựa chọn tốt cho thị trường rau củ quả đa dạng của Việt Nam, trong khi Việt Nam còn có những mặt hàng như trái cây thanh long chưa xâm nhập được thị trường Ai Cập.

Về lâu dài, tôi cho rằng một hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Ai Cập hoặc với khối các nước Ả Rập cũng cần phải tính đến.

Vấn đề thứ 2 là cần đa dạng hóa thêm các kênh trao đổi thông tin, đặc biệt cần ứng dụng sức mạnh của công nghệ để tạo ra các cầu nối thông tin cho phép doanh nghiệp 2 nước tiếp cận nhanh chóng nhu cầu của nhau cũng như trao đổi, giao dịch trực tuyến. Ở đây tôi đánh giá vai trò quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa các Phòng thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp của 2 nước.

Về phía doanh nghiệp tôi mong rằng sẽ có nhiều DN Việt Nam mạnh dạn đầu tư thương mại sang thị trường, bước đầu có thể đơn giản là mở Văn phòng đại diện để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng, sở thích của người dân Hồi giáo đối với sản phẩm của doanh nghiệp, tiến đến thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh thương mại tại địa bàn. Một số doanh nghiệp lớn đầu ngành nghiên cứu đầu tư thương mại và sản xuất sang thị trường (tận dụng các ưu đãi về thu hút đầu tư của nước bạn), thúc đẩy các doanh nghiệp Việt khác có cơ hội cùng phát triển.

Đối với cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nâng cao năng lực nghiệp vụ, công tác nghiên cứu chính sách, dự báo thị trường nhằm thông tin và hỗ trợ kịp thời cũng như tư vấn, đề xuất giải pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 nước lên một tầm cao mới. Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của cả các cơ quan nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp, Việt Nam-Ai Cập sẽ sớm đạt được kim ngạch song phương 1 tỷ USD bền vững góp phần củng cố quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.