Theo đại diện Bộ Tài chính, 2 loại phương tiện chịu phí sử dụng đường bộ là xe ô tô và mô tô. Phương thức thu phí đối với xe ô tô gồm 3 loại: xe quốc phòng, an ninh nộp phí theo năm cho Văn phòng Quỹ bảo trì Trung ương; Xe ô tô nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam, phí tính theo thời gian thực tế được phép lưu hành tại Việt Nam, mức phí căn cứ thu tháng và nộp cho Sở Giao thông vận tải các tỉnh. Đối với ô tô đăng kí tại Việt Nam thu theo chu kỳ đăng kiểm của xe và theo năm, nộp cho cơ quan đăng kiểm. Riêng xe có chu kỳ đăng kiểm từ 01 năm trở xuống phí nộp theo chu kỳ đăng kiểm xe 3 tháng, 6 tháng ,9 tháng và 12 tháng và được dán Tem nộp phí tương ứng.
Đối với ô tô có chu kỳ đăng kiểm trên 1 năm, chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm và được dán tem nộp phí tương ứng.
Đối với xe mô tô, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí. Ủy ban Nhân dân cấp xã chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai, thu phí đối với xe mô tô, mức thu phí 12 tháng.
Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội vận tải các địa phương cho rằng, mức thu đối với xe vận tải hàng hóa là quá cao, nếu thu một lần theo chu kỳ 12 tháng thì gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp, đề nghị cho nộp phí theo tháng để giảm bớt khó khăn.
Ông Hoàng Văn Tản, Chánh văn phòng Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng kiến nghị: “Với mức thu theo chu kỳ đăng kiểm, các doanh nghiệp vận tải lớn, có hàng trăm đầu xe sẽ phải đóng một khoản tiền không nhỏ trong một lúc, điều đó sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi kiến nghị, được đóng phí từng tháng, như vậy doanh nghiệp không thể trốn, cơ quan quản lỹ cũng dễ dàng kiểm soát. Đến cuối chu kỳ đăng kiểm nếu không trình được vé hàng tháng thì phải chịu phạt theo quy định, như vậy sẽ bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc này…”
Đại diện Hiệp hội vận tải các địa phương cũng kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải sớm thông báo cho doanh nghiệp vận tải biết khi thu phí bảo trì đường bộ thì các trạm thu phí hoàn vốn nào sẽ phải dẹp bỏ, trạm nào còn tồn tại để doanh nghiệp tính toán giá cước khi ký kết hợp đồng vận tải…
Trả lời các câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết: Từ 1/1/ 2013 trên toàn quốc sẽ chỉ còn tồn các trạm thu phí BOT, còn các trạm thu phí hoàn vốn nhà nước sẽ bị dẹp bỏ, còn tồn tại khoảng 5 trạm và Bộ đã có lộ trình để đến năm 2015 sẽ xóa hết các trạm thu phí này. Toàn bộ số tiền thu phí sẽ giành cho công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, trích 35 % đưa về quỹ địa phương để địa phương phát triển giao thông, còn 65% Tổng cục đường bộ là cơ quan chủ trì để duy tu sửa chữa thường xuyên định kỳ các tuyến đường cũng như các cây cầu theo địa chỉ cụ thể và có sự giám sát của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Trước đây chúng ta đã thu phí bảo trì qua xăng dầu, nhưng xăng dầu biến động giá liên tục, giá xăng tăng lại hòa vào ngân sách sau đó mới trích ra cho quỹ thì rất khó tính toán. Hơn nữa lại không công bằng đối với các đối tượng không sử dụng xăng dầu. Còn kiến nghị về thu theo tháng hay quý, Bộ sẽ nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp…"./.