Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội vừa có kiến nghị gửi Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam về việc xử lý xe quá khổ quá tải. Trong đó nhấn mạnh việc tăng mức độ xử phạt hành chính đối với xe quá khổ, quá tải và giảm mức độ xử lý sai phạm của lái xe.

Theo bà Bùi Thị Phương Lan, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, thời gian qua xe quá tải không những đã hủy hoại cầu đường mà còn làm xuống cấp phương tiện, hại lốp, mòn phanh, tiêu hao nhiều nhiên liệu, mất an toàn, đe dọa tính mạng của người lái và gây thiệt hại cho chính lái xe và doanh nghiệp.

Do đó, các thành viên của Hiệp hội vận tải TP Hà Nội ủng hộ chủ trương “siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng của các phương tiện vận tải” đồng thời kiến nghị công tác này phải làm quyết liệt, lâu dài.

5_tin_786e1_ijox.jpgMức xử phạt xe quá tải được kiến nghị lên tới 100 triệu đồng. (Ảnh: KT)
Đối với Nghị định xử phạt hành chính, Hiệp hội kiến nghị tăng nặng mức phạt theo trọng lượng vượt tải, mức phạt dự kiến sẽ từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng khi xe vượt tải trọng trên 50%. Hiệp hội đề nghị bổ sung mức phạt cao hơn tương ứng với mức độ vượt tải trọng, mức xử phạt tối đa có thể tới 100 triệu đồng.

Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cũng kiến nghị phạt lũy tiến xe vượt tải theo chặng đường đã lưu hành kể từ khi xuất phát. Căn cứ xuất phát là lệnh vận chuyển. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng biểu mức phạt theo mức km đã chạy hoặc các tỉnh, các trạm cân đã vượt để hạn chế việc lách luật bằng cách xe né tránh trạm cân hoặc được “bảo kê”.

Đối với việc tước quyền sử dụng giấy phép của lái xe tải, Hiệp hội kiến nghị giảm thời gian thu giữ từ 2 tháng xuống còn 1 tháng. Bởi lẽ sai phạm của lái xe do trách nhiệm của nhiều đối tượng như chủ hàng, chủ xe, “bảo kê”… vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho người lao động chỉ nên dừng ở mức tước giấy phép lái xe 1 tháng.

Ngoài việc xử phạt hành chính, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng: “bảo kê”, “cố ý làm trái”, “hủy hoại tài sản của nhân dân và nhà nước”./.