Phòng giao dịch Ngân hàng Nam Việt tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang không chỉ cho vay sản xuất nông nghiệp ngắn hạn lãi suất cao, hơn 2%/tháng  mà còn thu lãi trước và thu luôn cả phí tra cứu CIC (đây là phí lẽ ra ngân hàng phải trả).

Khoảng giữa năm 2012, ông Nguyễn Văn Minh, thương binh hạng 4/4 ở ấp Phước Thái, xã Mỹ Phước vay 240 triệu đồng, thời hạn 1 năm tại phòng  giao dịch ngân hàng Nam Việt ở huyện Hòn Đất để sản xuất lúa với lãi suất 23,72%/năm. Đến thời điểm tất toán vào ngày 10/6 vừa qua thì ông Minh vẫn phải trả với lãi suất cao như ban đầu mặc dù lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp hiện chỉ còn 10% năm.

Ông Minh cho biết, với lãi suất này, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn do vụ mùa vừa qua lúa không được giá lại bị chuột cắn phá mất mùa nhưng ngân hàng lại không chia sẻ khó khăn này với người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Minh kể lại: “Tôi thì dốt, học có lớp 3-4 thôi. Khi vay tôi hỏi lãi bao nhiêu, ông ấy nói hỏi hoài, ông cho tôi vay thì tính lãi thấp thôi. Tôi viết tùm lum vậy thôi chứ tôi tính 14%/năm và còn sụt nữa. Nhưng bây giờ là tính đến 23,72%. Tôi vay 240 triệu nhưng tiền lãi 6 tháng trên dưới là 30 triệu”.

Không chỉ có ông Nguyễn Văn Minh mà rất nhiều gia đình nông dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài cho vay sản xuất nông nghiệp với lãi suất cao, từ 23,72% - 26,22%, phòng giao dịch Ngân hàng Nam Việt tại huyện Hòn Đất còn thu lãi trước đối với nhiều khoản vay.

Cụ thể, như trường hợp của ông Trần Văn Chiến và bà Ngô Thị Liền ở xã Mỹ Lâm vay 320 triệu đồng  sản xuất lúa nhưng ngân  hàng chỉ giải ngân 298.307.000 đồng vì ngân hàng đã thu lãi trước 3 tháng. Đơn vị này còn thu 250.000 đồng phí hồ sơ và phí tra cứu CIC trên mỗi hồ sơ vay của khách hàng. Vừa qua, hơn chục nông dân ở huyện Hòn Đất đã làm đơn phản ánh những khuất tất này gửi các cơ quan chức năng; trong đó có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang, Công an Kinh tế tỉnh và nhiều cơ quan báo, đài.

Ông Ngô Bé Năm là thương binh –ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất vay 500 triệu đồng. Ông cho biết phòng giao dịch Ngân hàng Nam Việt cho ông vay với lãi suất 26,22%/năm nhưng lại nói với ông là 14%/năm. Do không kiểm tra hồ sơ vay nên đến lúc tất toán món nợ ông mới “tá hoả” khi biết lãi suất quá cao, khó có khả năng trả nợ. Hiện tiền lãi vay, lãi phạt đã lên đến gần 300 triệu đồng.

Ông Bé Năm ấm ức: “Cái khớp đã cho thì không bao giờ nghĩ là đi thưa kiện nhưng khi tôi hỏi phần lãi suất là bao nhiêu phải ghi rõ, ông Tuyến nói anh không thấy sao, trong hợp đồng ghi là 14%. Tôi hỏi cái này là cái gì, ông Tuyến nói ghi để khi ngân hàng nhà nước đến kiểm tra mà lãi suất lên cao thì mới tính đến những con số đó và sẽ mời lên để nói chuyện, còn lãi suất hạ thì sẽ hạ, nên tôi mới đồng ý. Nhưng 1 năm đến hạn trả tôi đem tiền lên trả, ví dụ thay vì 50 triệu đồng thì tính lãi hơn 100 triệu, tôi đâu có chịu”.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang cho biết: do cơ chế lãi suất thỏa thuận nên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ kêu gọi các ngân hàng giảm lãi để chia sẻ khó khăn với khách hàng chứ không bắt buộc. Tuy nhiên, việc Phòng Giao dịch Ngân hàng Nam Việt Hòn Đất cho nông dân vay với lãi suất cao như vậy cho thấy đây cũng là ngân hàng có lãi suất cho vay cao nhất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến thời điểm này. Hiện nay, hơn 85% ngân hàng thương mại ở Kiên Giang đã  điều chỉnh lãi suất xuống dưới 15%/năm. Riêng việc phòng giao dịch của Ngân hàng Nam Việt tại Hòn Đất thu lãi trước và thu phí tra cứu CIC là đã vi phạm quy định. Ông Kiệt cho biết: Tới đây sẽ thành lập đoàn đi thanh kiểm tra các nội dung mà người dân phản ánh. Nếu sai phạm sẽ xử lý theo quy định./.