Sáng 21/8, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của các Bộ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

mai_tien_dung_vov_donp.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

Các bộ được kiểm tra lần này là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Thực hiện theo quyết định 2026 và Nghị quyết 19 của Chính phủ, các Bộ thực cần hiện nghiêm túc về công tác kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế các Bộ mới chỉ thực hiện rà soát nhiệm vụ văn bản theo quyết định 2026 và hiện còn 5.917 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các Bộ tại cửa khẩu, cần rà soát.

Việc kiểm tra chuyên ngành ở các Bộ, tại các cửa khẩu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang là vấn đề Thủ tướng rất quan tâm. Thủ tướng yêu cầu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức của các doanh nghiệp. Theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, tỷ lệ các lô hàng nhập nhẩu phải kiểm tra chuyên ngành phải rút xuống 15%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang ở mức 30-35%. Đây là việc cần quyết tâm thực hiện nhằm cắt bỏ rào cản, giấy phép, thủ tục mà kiểm tra chuyên ngành thấy không cần kiểm tra.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị: khi thực hiện Quyết định 2026 đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các Bộ cần rà soát bổ sung, thay thế 87 văn bản liên quan đến pháp luật về kiểm tra chuyên ngành. Đối với 11 nhiệm vụ đã giao cho các Bộ theo Nghị quyết 19, đề nghị xem xét lại những nhiệm vụ không hoàn thành, đồng thời rà soát toàn bộ thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh đổi mới trong cơ quan thuế, cơ quan hải quan của các cửa khẩu, ứng dụng công nghệ tiến bộ, công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hàng hóa xuất nhập khẩu. Bởi hiện nay thủ tục còn chồng chéo, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp khi tỷ lệ hàng hòa thực hiện kiểm tra 2 đến 3 lần đang chiếm 54,4% trên tổng số các mặt hàng."Chiếm tỷ lệ 54,4 % trên tổng số các mặt hàng phải kiểm tra là cực lớn. Như vậy chúng ta có thể cải cách thủ tục hành chính từ những bước kiểm tra chuyên ngành của các bộ. Thời gian thông quan chiếm khoảng 50% thời gian hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu. Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, do 1,2 tháng sau bộ chuyên ngành mới tiến hành kiểm tra, khi kiểm tra thì hôm nay yêu cầu 1 thủ tục, mai yêu cầu 1 thủ tục cho nên có những lô hàng nằm tại cửa khẩu 3-4 tháng là bình thường. Trong khi đó chúng ta quy định có hàng 15- 30 ngày, gần đến nơi yêu cầu bổ sung thủ tục nên không bao giờ quá hạn"- Bộ trưởng lưu ý.

Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ nêu rõ, hiện nay nhiều Bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng vẫn kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo cách thủ công, cần xem xét lại. Bên cạnh đó, còn có tình trạng Bộ chỉ giao 1 cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất lớn, đặc biệt là tình trạng “vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, trong việc kiểm tra thì áp dụng hình thức thủ công vẫn là chính, kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan còn hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Do đó, kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ chiếm 0,1%. Sau buổi làm việc hôm nay, sẽ rà soát từng Bộ, đi vào từng thủ tục, không dừng lại chung chung, yêu cầu giải trình cụ thể từng thủ tục hành chính./.