Kích cầu du lịch mùa thấp điểm là hoạt động cần thiết để duy trì nhịp độ tăng trưởng cho ngành du lịch Đà Nẵng. Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch của UBND thành phố Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch trên địa bàn thành phố đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh. Vấn đề đặt ra là: giảm giá có đồng nghĩa với giảm chất lượng?! 

da%20nagn.jpg
Cầu Sông Hàn - biểu tượng của thành phố Đà Nẵng (ảnh:Hà Khánh)

Với mục tiêu trở thành thành phố sự kiện, Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2012, lần đầu tiên ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đón 2,6 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 6.000 tỷ đồng. Điểm nổi bật thu hút khách chính là các sự kiện lớn như cuộc thi pháo hoa quốc tế, du lịch biển…Tuy nhiên, mùa cao điểm qua đi, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn bước vào mùa thấp điểm “đặc trưng” của các địa phương ven biển miền Trung. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm là mùa mưa bão, lượng khách sụt giảm rõ rệt. Chính vì vậy, chương trình kích cầu du lịch, tổ chức thêm sự kiện, giảm giá để thu hút khách là việc làm cần thiết. Ông Vương Văn Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Du lịch Thương mại Hoàng Trà cho biết: “Công ty tôi hưởng ứng chương trình này bằng việc giảm giá 20% cho chương trình du lịch “Đà Nẵng lung linh với những cây cầu”. Tuy nhiên, thời điểm này gần như đóng cửa thị trường nội địa và tôi nghĩ rằng sang năm chúng ta có thể làm sớm hơn, liên kết được các nhà cung ứng dịch vụ để có 1 gói kích cầu cho sản phẩm của du lịch nội địa, để khách hàng nội địa sẽ được hưởng lợi gói kích cầu này”.

Câu hỏi đặt ra là: Các hãng lữ hành giảm giá, nhưng nhà cung cấp dịch vụ không giảm, chất lượng sản phẩm du lịch sẽ đi về đâu? Du lịch Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng nóng, nhất là cơ sở lưu trú. Năm 2010, toàn thành phố có hơn 6.000 phòng lưu trú, năm 2012 hơn 10.000 phòng và trong năm nay dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 1.800 phòng lưu trú nữa. Tuy nhiên, phần lớn là các khách sạn quy mô nhỏ lẻ, thiếu những khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Rõ ràng, hiện tại “cung đang vượt cầu” nên để thu hút khách mùa thấp điểm, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, Giám đốc khách sạn Phương Đông: Khuyến mãi, giảm giá không phải là giải pháp căn cơ. “Về phía các doanh nghiệp, chúng ta làm công tác kích cầu không có nghĩa là chỉ nghĩ đến chuyện khuyến mãi, giảm giá mà còn phải nghĩ đến chiều sâu là tạo dựng được các sản phẩm đặc thù để tạo dựng thương hiệu. Đương nhiên, sản phẩm chất lượng cao, người ta sẽ quay trở lại và sẽ tuyên truyền cho những người khác đến với Đà Nẵng. Nếu như chúng ta không liên kết thì sẽ yếu. Phía Hiệp hội cũng đã có chương trình liên kết, tức là đặt vấn đăng ký và quản lý về vấn đề giá cả và giá cả đảm bảo chất lượng.” - ông Bằng Có nói.

Ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã mất nhiều năm mới tạo dựng được thương hiệu như hiện nay. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao “kích cầu du lịch” là khuyến mãi, giảm giá nhưng phải đảm bảo chất lượng. Về vấn đề này, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: "Thứ nhất, chúng tôi giám sát ngay từ khi mà doanh nghiệp đăng ký tức là chương trình doanh nghiệp đăng ký mức độ giảm giá đó bao gồm những dịch vụ gì, sản phẩm đó có dịch vụ gì khách được hưởng để làm cơ sở chúng tôi giám sát. Thứ 2, doanh nghiệp đăng ký và thứ 3, chúng tôi công khai rõ ràng minh bạch chương trình các doanh nghiệp đăng ký đó để người dân, du khách cùng giám sát và chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện của các doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay những trường hợp không đảm bảo chất lượng như khi đăng ký ban đầu tham gia chương trình này".

Để chương trình “kích cầu du lịch” thực sự là điểm nhấn, là cơ hội để doanh nghiệp tri ân khách hàng, kéo khách về với miền Trung thì yếu tố cần thiết và quan trọng nhất đó là “giảm giá nhưng phải đảm bảo chất lượng”./.