Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh là cửa ngõ quan trọng để trung chuyển, giao thương với các nước ASEAN và ra hướng Ấn Độ Dương. Khu này có vị trí chiến lược quan trọng, lợi thế đặc biệt về địa kinh tế và địa chính trị, có tiềm năng phát triển rất lớn trở thành giao điểm của hành lang kinh tế phía Nam.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, việc phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài bộc lộ nhiều vấn đề, nhiều khó khăn và gần như là đứng yên trong sự thay đổi rất nhanh của khu vực và thế giới. Mức đóng góp của Khu vào sự phát triển chung, so với kỳ vọng không đạt dù có nhiều dư địa phát triển, đứng trước nguy cơ đánh mất nhiều cơ hội. Do đó, Tây Ninh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đánh thức tiềm năng của Khu kinh tế này.
Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập từ năm 1998. Từ những ngày đầu thành lập, Khu đã mang đến những niềm vui và nhiều kỳ vọng tạo sự phát triển đột phá cho Tây Ninh. Có giai đoạn Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thực sự là một điểm nhấn nổi bật, thu hút đầu tư, có nhiều các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra sôi động; đã dần thay đổi bộ mặt, đời sống của vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến sự phát triển của Khu này chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.
“Trước đây, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đặt động lực chính là nhờ vào thương mại, nhưng do thay đổi về chính sách nên các động lực đã giảm. Hiện nay tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị điều chỉnh mô hình phát triển, lấy động lực chính là phát triển công nghiệp và dịch vụ đô thị theo hướng xanh bền vững, làm động lực và điểm nhấn để thu hút các nhà đầu tư tạo ra sự phát triển mới”, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh cho biết.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, sau 20 năm thành lập và phát triển, nhưng Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mới sử dụng khoảng 9% trong tổng số hơn 21.284 ha mặt bằng, tức là vẫn ở dạng tiềm năng, phần lớn vẫn trong ý tưởng quy hoạch và kỳ vọng ở tương lai.
Theo ông Trần Du Lịch, Khu vẫn chưa phát triển là bởi chưa hình thành hành lang kinh tế xuyên Á, kết nối giao thông với TP.HCM và hệ thống cảng biển, cảng hàng không còn là điểm nghẽn, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn…
“Rõ ràng hệ thống giao thông kết nối hiện nay còn quá tệ. Có DN cho biết, vận chuyển 1 tấn thép từ Đại Liên (Trung Quốc) tới cảng Cái Mép - Thị Vải rẻ hơn từ Cái Mép - Thị Vải lên Tây Ninh, như vậy làm sao hấp dẫn được nhà đầu tư. Hiện nay hầu như không có chính sách nào làm động lực cho Khu, coi như bình thường thì không phát triển được”, ông Trần Du Lịch nói.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mới thu hút được 56 dự án đầu tư, trong đó có 19 dự án đầu tư nước ngoài và 37 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đạt hơn 400 triệu USD và 8.600 tỷ đồng. Trong tổng số các dự án đã đăng kí, hiện mới chỉ có 33 dự án đang triển khai hoạt động.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh đang quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội tại TP.HCM và các trung tâm công nghiệp phía Nam, rất cần phải có sự mở rộng không gian phát triển theo kiểu đàn sếu bay, lan toả được làn sóng phát triển theo kiểu trung tâm - vệ tinh trong một chuỗi liên kết trải rộng trên các địa bàn không gian rộng hơn. Hiện ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ lớn về biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên việc lan toả phát triển công nghiệp về vùng cao hơn là cần thiết và Mộc Bài là sự lựa chọn hợp lý.
Ông Vũ Tiến Lộc lý giải, ngoài quy mô lớn (hơn 21.0000 ha) có đủ dư địa để đón nhận dòng dịch chuyển công nghiệp lớn, hiện Tây Ninh cũng có những tín hiệu lạc quan như chỉ số hạ tầng xếp hạng 24/63, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp đạt 8,9%, cao hơn bình quân cả nước. Tây Ninh có vị trí địa kinh tế, địa chính trị thuận lợi và có nhiều tiềm năng phát triển lớn. Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cần phải nhìn việc đầu tư Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là giải pháp để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của Tây Ninh và cả nước.
“Chúng ta phải hồi sinh lại Khu với một tầm nhìn mới, một diện mạo mới, một tầm vóc mới và chuyển từ mô hình khu kinh tế cửa khẩu, với động lực chủ yếu là mô hình miễn thuế sang phát triển một khu vực công nghiệp, dịch vụ có sức cạnh tranh cao, một trung tâm giao lưu quốc tế vừa là cửa ngõ vừa là hậu phương của Khu kinh tế trọng điểm phía Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi sau nên có thể tránh được những sai lầm của những trung tâm công nghiệp, đô thị đi trước. Trong đó, các chuyên gia đề xuất cần phải xác định rõ tầm quan trọng của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 53 năm 2005 của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận 27 năm 2012 của Bộ Chính trị khoá XI về Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với Tây Ninh, cần phải xem Mộc Bài là động lực và cực tăng trưởng trong 20 năm tới. Ngoài ra, cần phải có cơ chế chính sách thuế đặc thù, trong vòng 15 năm khi bắt đầu triển khai cần phải để lại nguồn thu từ chính khu này để phát triển hạ tầng nội tại, thu hút đầu tư; cần đầu tư nguồn lực lao động, giữ chân lao động có tay nghề cao…Đặc biệt, ông Trần Du Lịch đề nghị cần phải đẩy càng nhanh càng tốt các dự án hạ tầng giao thông như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3, Vành đai 4.
“Tôi cho rằng, nếu có đường Vành đai 3 và Vành đai 4 nữa thì toàn bộ Mộc Bài không còn xa Vùng kinh tế trọng điểm và nơi đây sẽ là một đô thị vệ tinh kết nối. Chính vì vậy phải thúc đẩy hạ tầng rất nhanh, nhanh lúc nào thì Mộc Bài phát triển lúc đó, nếu còn chậm sẽ càng làm nản lòng các nhà đầu tư”, TS. Trần Du Lịch quả quyết.
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển, chuyên gia tư vấn cao cấp của Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cần phải thành lập một khu kinh tế tự do, thông minh, quản lý mềm, có sức hút và là bàn đạp để vươn ra khu vực…với hậu phương chính là Vùng Đông Nam bộ. Cần phải có mục tiêu cụ thể và có thể chia làm 3 giai đoạn là từ nay đến 2030 với mục tiêu tập trung công tác quy hoạch, xây dựng chính sách; giai đoạn 2030 – 2045 hình thành để đạt các mục tiêu cơ bản và giai đoạn sau 2045 phát triển toàn diện, phát huy đầy đủ sức mạnh.
“Mộc Bài có đủ điều kiện để phát triển nếu chúng ta tìm cho nó một hướng đi tốt. Mục tiêu lâu dài làm sao cho Mộc Bài trở thành một trọng điểm về giao thương, kinh tế văn hóa và thực sự là một trong những hạt nhân có thể phát triển được ở vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước”, ông Hiển chỉ rõ.
Rõ ràng với 1 Khu kinh tế có diện tích lớn nhất châu Á, dư địa phát triển của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là đủ lớn để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cửa khẩu là rất lớn. Tiềm lực về đất đai, mật đô dân số thấp là điều kiện thích hợp để phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ.
Do đó, để sớm đánh thức tiềm năng này, rất cần Trung ương có sự quan tâm, định hướng, mục tiêu, quy hoạch cho ngang tầm, phân bổ nguồn lực hợp lý; có những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương./.