Từng được biết đến là vùng động lực phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng hiện nay khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) gần như “tê liệt” hoàn toàn. Vùng biên viễn một thời giao thương sôi động sầm uất, nay u ám, đìu hiu đến lạ thường.

Hạ tầng dang dở, doanh nghiệp bỏ đi... là thực trạng tại khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo sau 10 năm hoạt động. Nhìn những dự án tại khu công nghiệp Đại Kim xây dựng nửa chừng rồi “phơi mưa, phơi nắng”, ông Nguyễn Văn So, trú tại xã Sơn Kim1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh không khỏi tiếc nuối cho vùng đất quê hương.

khu_kinh_te_vov_2__xwsd.jpg
Những tòa nhà cao tầng như thế này giờ không một bóng người.
Ông So cho biết, những năm đầu khi mới đi vào hoạt động, người dân ai cũng vui mừng vì bộ mặt vùng quê thay đổi hoàn toàn. Hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu kinh tế sôi động ngày đêm. Không ít doanh nghiệp “ăn nên làm ra” nhờ đầu tư vào khu kinh tế. Nhưng sự sầm uất đó nhanh chóng đảo chiều, khi nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng rồi dừng hẳn, các dự án vừa hân hoan khởi công bỗng chốc dừng lại, trở thành hoang phế, cây bụi um tùm.

"Khu công nghiệp này khởi công từ năm 2009, nhưng cứ dở dang như vậy, người dân rất bức xúc. Bởi vì bây giờ đất nông nghiệp không có nữa, trong khi đó đất trong khu công nghiệp lại bỏ hoang, nhiều người thấy tiếc lại đi vào sản xuất... Và cái bức xúc nhất hiện nay là các hố ga xung quanh vành đai khu công nghiệp không có nắp rất nguy hiểm cho người dân, nhất là mưa lũ, ngập nước", ông Nguyễn Văn So chia sẻ.

Công trình dang dở phơi mưa phơi nắng
Theo đại diện UBND huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân của thực trạng hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo đảo chiều, đình trệ là do những thay đổi trong cơ chế chính sách. Bởi, theo Quyết định 162/2007 của Thủ tướng Chính phủ, khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư trong khu kinh tế.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107 có hiệu lực, khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương. Cùng với đó là sự bão hòa về giá cả hàng hóa giữa Việt Nam và nước bạn Lào; hoạt động nhập khẩu gỗ về Việt Nam cũng dừng lại khi chính phủ Lào thực hiện chính sách cấm rừng. 

Ông Trần Bình Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Chính sách còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó hạ tầng tại khu vực cửa khẩu đang còn thấp kém, nhất là quốc lộ 8A nối với đất nước bạn Lào xuống cấp nghiêm trọng, việc vận tải hàng hóa quá lại gặp nhiều khó khăn".

Trung tâm thương mại chỉ còn là cái bóng.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước thực trạng ảm đạm, đình trệ tại khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong đó, tập trung ưu tiên điều chỉnh quy hoạch như diện tích, từng phân khu sao cho hợp lý. Cùng với đó là hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng cửa khẩu để thông thương thuận lợi; thúc đẩy phát doanh nghiệp logistics.

"Thay vì thu hút các doanh nghiệp lớn như trước đây, chúng tôi sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương để đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp đã được xây dựng. Bên cạnh đó là tập trung các doanh nghiệp logistics để lại kho bãi, kho ngoại quan phục vụ cho việc khai thác hàng hóa qua lại cửa khẩu", ông Dương Tất Thắng cho biết.

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với các khu công nghiệp cửa khẩu - địa bàn vốn rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.../.