Suốt nhiều năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) góp phần không nhỏ giúp cho nền kinh tế nước ta liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao. Tuy nhiên, nhìn lại cả quá trình đó, một thực tế nổi lên là hệ lụy của những dự án FDI không hiệu quả là không nhỏ.
Thu hút đầu tư cần gắn với quy hoạch phát triển
Năm 2008, vốn FDI đăng ký vào nước ta đạt kỷ lục hơn 64 tỷ USD, gấp 3 lần vốn đăng ký năm 2007. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vốn FDI đăng ký năm 2009 đạt gần 21,5 tỷ USD. Dự kiến thu hút FDI năm 2010 đạt từ 22 - 25 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới khoảng 19 tỷ USD, vốn tăng thêm khoảng 3 tỷ USD. Như vậy, lượng FDI vào nước ta vẫn khá cao, song trong giai đoạn này, FDI nhiều hay ít không phải là vấn đề cốt lõi mà điều quan trọng là sử dụng nguồn vốn đó như thế nào.
Thời gian qua, việc thu hút vốn FDI được thực hiện khá tốt, tuy nhiên có những dự án đầu tư đã để lại hệ lụy không nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn tới. Có thể thấy điều đó qua những dự án tận thu tài nguyên thiên nhiên hay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thời gian qua. Ngoài ra, vẫn xảy ra tình trạng dự án FDI không phù với với quy hoạch phát triển dài hạn, hoặc gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển chung của đất nước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: “Đây là lúc chúng ta rất cần rà soát lại những dự án nào người ta không thực hiện được nên cắt ngay đúng như luật định. Đối với những dự án mang lại hậu quả xấu về lâu dài, tác hại đến môi trường, hoặc không tạo được không ăn việc làm cho người Việt Nam một cách đầy đủ, không tạo giá trị gia tăng… thì rất nên xem xét lại”.
Chúng ta với tư cách là một đối tác bình đẳng có quyền lựa chọn, có quyền căn cứ vào định hướng phát triển của mình để chọn những dự án đầu tư nào có hiệu quả cao nhất. Chúng ta đã qua thời đói khát về vốn đầu tư và cũng qua cái thời dựa vào khai thác theo chiều rộng để tranh thủ đầu tư nước ngoài, mà chúng ta phải hướng tới chất lượng cao, hướng tới những công nghệ tốt, hướng tới những dự án tạo ra sự lan tỏa phát triển mạnh hơn (PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) |
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài cho biết: “Đến thời điểm này, chúng ta có điều kiện và cơ hội để lựa chọn các dự án phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vì vậy những dự án nào phù hợp với mục tiêu của chúng ta, phù hợp với quy hoạch của chúng ta thì sẵn sàng tiếp thu và cũng không có hạn chế”.
Chuyển từ số lượng sang chất lượng
Thời gian qua, mặc dù lượng vốn FDI vào nước ta suy giảm nhưng trên thực tế ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế không lớn. Nói điều đó bởi vì, tỷ lệ tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư trong nước khá cao. Do đó, biến động về lượng vốn FDI không phải là điều đáng lo. Vấn đề hiện nay là cần chuyển từ số lượng sang chất lượng. Đồng thời, cần có sự lựa chọn, sàng lọc các dự án FDI để có được những dự án có hiệu ứng lan tỏa, có tác động tốt tới kinh tế nước ta. Theo đó, chủ trương chung đối với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2010 là tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã cam kết; định hướng thu hút vào các vùng một cách hợp lý cũng như vào các lĩnh vực ưu tiên, với trọng tâm là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Đây cũng chính là điều mà chúng ta nên thực hiện trong giai đoạn hiện nay./.