Tại cuộc họp báo chiều nay, sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, báo giới đặt câu hỏi về con số 40% doanh nghiệp Việt đóng cửa như công bố vừa qua thì trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào?
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông phát biểu tại Họp báo |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Động phân tích: Chúng tôi đã nhiều lần giải thích về các con số thống kê về doanh nghiệp thành lập mới, giải thể hằng tháng. Các con số này cũng công khai trên cổng điện tử của Bộ KHĐT.
Xin lưu ý, con số 40% doanh nghiệp “chết” như báo chí nêu là tổng dồn từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay. Không nên hiểu 40% doanh nghiệp “chết” năm nay. Trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp đã “sống lại”. Ông Đông đề nghị báo chí đưa tin trung thực, không tô hồng, không bôi đen vì tâm lý rất quan trọng.
Về nội hàm con số 40% doanh nghiệp chết, ông Đông giải thích: Không nên hiểu là ngay năm nay “chết”, hay quý I “chết”. Cần theo dõi doanh nghiệp ra đời, đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau, nhưng khi nào doanh nghiệp mới thành lập còn cao hơn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì lúc đó ta thấy nền kinh tế vẫn ổn, cần bình tĩnh, con số đó không phản ánh tuyệt đối về sức khỏe nền kinh tế.
Doanh nghiệp rút khỏi thị trường, theo ông Đông, do nhiều lý do khác nhau. Có thể do DN ra đời mục tiêu kinh doanh ở lĩnh vực ngành hàng A, hoặc kết hợp 2-3 người với nhau mở DN, nhưng ngay sau đó có thể cơ hội kinh doanh đã khác đi, DN lại giải tán, không vào lĩnh vực đó mà tìm cơ hội khác. Cho nên không phải mọi doanh nghiệp ra khỏi thị trường đều là doanh nghiệp chết, không phải là doanh nghiệp yếu. Đây là xu thế bình thường trên thế giới.
Đề cập trách nhiệm Bộ KHĐT về con số DN “chết” này, ông Đông giải thích: “Mong cơ quan báo chí hiểu cho, cách tiếp cận của Luật Doanh nghiệp mới lần này là đi theo nguyên lý về việc gia nhập thị trường dễ nhất, đơn giản nhất cho DN chứ không theo cách tiếp cận trước đây là tiền kiểm. Thực tế tiền kiểm cũng không khắc phục được tình trạng DN “chết”. Cơ quan công quyền không đủ thời gian, nguồn lực đi thẩm định tiền kiểm tất cả các DN để xem DN gia nhập thị trường là có sức khỏe hay không. Các nước họ cũng làm như thế, không có gì lạ cả”.
Đặc biệt, theo ông Đông, “cái này không thuộc trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước. Nếu đặt vấn đề trách nhiệm Bộ KHĐT như thế thì khác nào lại quay lại cơ chế “tiền kiểm”, mà làm thế lại là gây ra rào cản với DN. Cách tiếp cận mới (hậu kiểm) này được cộng đồng thế giới đánh giá cao, đây là cách tiếp cận đúng các thông lệ tốt nhất phổ biến trên thế giới”./.