Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về tình hình sản xuất và đời sống của ngư dân cùng việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đã ban hành, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình; Đại biểu Mã Điền Cư, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đều có ý kiến cho rằng, ngư dân hiện nay phải phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, nhiều ngư dân khó khăn về kinh tế trước khi ra khơi phải nợ chi phí rồi buộc phải bán thủy sản cho các đầu nậu. Trong khi đó nhiều tỉnh, thành không có cơ sở chế biến, không có chợ cá cũng như trung tâm đấu giá để trao đổi hàng hóa đúng giá trị.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, Nghị định 67 do Chính phủ ban hành đã có một phần chính sách hỗ trợ ngư dân. Trong đó, ngư dân được vay vốn để ra khơi sản xuất, không phụ thuộc vốn tạm ứng khi ra khơi từ thương lái để tránh bị ép giá. Cho tới nay nhiều ngư dân được vay vốn, thống kê ban đầu số vốn vay đã lên tới 23 tỷ đồng.

Bộ trường Cao Đức Phát cũng thừa nhận việc cho ngư dân vay vốn chỉ là một giải pháp, vấn đề cần thiết hơn phải tổ chức lại sản xuất để hình thành những hệ thống dịch vụ hậu cần, đồng thời phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua sản phẩm của ngư dân.

Đối với tiến trình thực hiện Nghị định 67 về phát triển thủy sản nhằm khai thác thủy sản hiệu quả, Bộ trường Cao Đức Phát cho biết, đến nay đã có 23/28 địa phương ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, với 818 tàu trên 400 CV; trong đó đóng mới 731 tàu, nâng cấp 87 tàu; đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 52 tàu, với tổng số tiền 525 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và ban hành chính sách mới về phát triển thủy sản, đồng thời dành khoản kinh phí 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân và nâng kinh phí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá từ năm 2015-2020 tăng tối thiểu gấp 2 lần giai đoạn 2011-2014. Thực hiện tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, hỗ trợ kinh phí đào tạo và mua bảo hiểm cho thuyền viên, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế…

Tuy vậy, Bộ trường Cao Đức Phát cũng thừa nhận, việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão ở nhiều dự án chưa kịp thời, còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Một số quy định của Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản còn chưa phù hợp cần phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Tại nhiều địa phương, việc thành lập và quản lý tổ, đội, hợp tác xã nghề cá còn chậm và thiếu chặt chẽ…/.