Sông Gâm là nhánh cấp 1 nằm bên bờ trái sông Lô, đồng thời là nhánh cấp 2 của sông Hồng. Sông Gâm bắt nguồn từ vùng núi Vân Nam (Trung Quốc) ở độ cao trên 1600 m. Toàn bộ lưu vực sông rộng  17.200 km2, phần nằm trên lãnh thổ Trung Quốc 7.420 km 2 (43%). Sông dài 297km, trong đó phần nằm trên lãnh thổ nước ta là 217km. Sau khi nhà máy thủy điện Tuyên Quang (nằm trên sông Gâm đoạn chảy qua huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang) phát điện, mấy năm sau, việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Gâm mới được khởi động. Bắt đầu từ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1.

a5_sgns.jpgKhu vực hạ lưu nhà máy nhìn về cầu Lý Bôn

Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1 nằm ở xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng, với 2 tổ máy công suất 30 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 115,7 triệu kW/h.

Chúng tôi mất 3 giờ đi từ thành phố Hà Giang theo quốc lộ 34 qua Bắc Mê để đến với công trình. Đúng hẹn, ngày 6 Tết Ất Mùi (24/2/2015), công trường ra quân bước vào một mùa thi công sôi nổi chuẩn bị đón lũ năm nay. Đã qua lại đoạn đường này nhiều lần, tôi cũng không ngờ những người khảo sát-thiết kế lại chọn được một địa điểm đẹp như vậy để xây dựng nhà máy.

Con sông Gâm chảy từ Bảo Lạc (Cao Bằng)  đến đây thì gặp sông Nho Quế chảy từ Mèo Vạc (Hà Giang) xuống, hòa thành dòng lớn chảy về Tuyên Quang. Cây cầu bắc qua sông Gâm mang tên xã, cầu Lý Bôn, qua cầu là quốc lộ 4C về Mèo Vạc. Còn quốc lộ 34 rẽ phải, còn đúng 155km nữa là đến thị xã Cao Bằng. Ở cái doi đất hình lưỡi bò nơi hai con sông gặp nhau đó, cách cầu Lý Bôn 500m về phía thượng lưu, chính là nơi xây dựng nhà máy.

Tường chắn T1 và T2 đã đổ bê tông xong phần móng
 

Kỹ sư Trần Đình Tứ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp xây dựng Toàn Phát (TOPACO), chỉ huy trưởng công trường cho biết: công trường khởi công từ 10/11/2014. TOPACO là nhà thầu chính xây dựng đập thủy điện, đập tràn và nhà máy. Đến cuối tháng 2 năm nay, đã hoàn thành 95% việc đào hố móng vai trái; triển khai đổ bê tông tường chắn T1-T2; hoàn thành việc làm đường thi công, đắp đê quây...

Đứng từ bờ phải sông Gâm nhìn sang, thấy khối lượng thật không nhỏ. Cả một quả đồi từ đỉnh cao nhất 204m đã được bạt xuống đến cao độ 140 m (hố móng nhà máy). Ngay trong tháng 3 này, công trường tiến hành phun vẩy bê tông và lát đá ta luy để chống sạt trượt. Trần Đình Tứ như có duyên với mảnh đất này. Công trình thủy điện Sông Bạc (Hà Giang) TOPACO vừa hoàn thành xây dựng, cách đây không xa. Tứ là người lăn lộn với công trình cho đến khi hoàn thành. Bảo Lâm 1 khởi công, Tứ cũng là người đầu tiên đặt chân tới công trường.

Các hạng mục phải hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay rất rõ ràng: hoàn thành đào hố móng nhà máy, hoàn thành đổ bê tông cửa lấy nước đến cao độ 160 m và hạ lưu nhà máy trước 20/5. Trước 30/5 hoàn thành bê tông tường nhà máy mặt tiếp giáp với nước đến cao độ 164,5 m.

Để hoàn thành tiến độ đề ra, đúng 6 Tết TOPACO ra quân với đầy đủ trang thiết bị và nhân lực. Trần Đình Tứ cho biết thêm: tháng 3 công trường sẽ có thêm một cẩu tháp, được bổ sung thêm 2 cẩu xích 50 tấn. Công ty sẽ điều thêm từ 200 đến 250 người nữa, đảm bảo đạt khối lượng từ 8.000 đến 10.000 m3 bê tông/tháng.

Cũng đúng hẹn, sáng 6 Tết, Vũ Như Ước, Phó Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Bảo Lâm 1 có mặt tại công trường. Còn trẻ, người chắc khỏe, Ước có cái sôi nổi của tuổi trẻ, lại có cái già dặn của một kỹ sư đã đi công trường nhiều, tạo cho người đối thoại một cảm giác dễ chịu. Các kỹ sư của TOPACO,nhiều người đã làm việc với Ước trên các công trình thủy điện, nhận xét: Ước là người biết việc, biết người.

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1 sau khi hoàn thành

Trò chuyện với tôi, Ước cho biết Thủy điện Bảo Lâm 1 do Công ty cổ phần xây lắp điện 1 làm chủ đầu tư. Đây là nhà mấy thủy điện cột nước thấp, với  tua bin Cap-xun, tận dụng lưu lượng nước chảy qua là chính. Thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng trước kiểu tua bin lạ này, Trần Đình Tứ  giải thích nôm na: tua bin như một cái tàu ngầm mà phần đầu quay về phía cửa nhận nước,phần đuôi trong đó có chân vịt, nằm phía sau. Nước chảy qua thân tàu, đổ về sau làm chân vịt quay, làm quay rô-to đặt trong thân tàu. Tôi nhìn ra sông Gâm, mùa này nước cạn nhất trong năm, nước sông vẫn cuồn cuộn chảy, nhiều đoạn tung bọt trắng xóa. Với lưu lượng dòng chảy như vậy, Bảo Lâm 1 không sợ thiếu nước.

Vũ Đình Ước cũng giới thiệu thêm: theo quy hoạch điện VI và Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Gâm(tháng 8/2007), sẽ xây dựng nhà máy thủy điện Bảo Lạc, bậc thang trên của thủy điện Tuyên Quang. Nhưng nếu làm thủy điện  Bảo Lạc, diện tích đất của huyện Bảo Lạc sẽ bị mất nhiều. Bởi vậy, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh theo sơ đồ từ 1 bậc thành 3 bậc.

Thủy điện Bảo Lâm 1 xây dựng trên dòng chính sông Gâm. Thủy điện Bảo Lâm 2 công suất 30 MW xây dựng trên nhánh sông Gâm cách thị trấn  Bảo Lạc khoảng 40 km về phía thượng lưu. Thủy điện Bảo Lâm 3 công suất 46 MW, nằm trên sông Nho Quế,cách ngã ba chỗ hợp lưu với sông Gâm khoảng 13km về phía thượng lưu. Việc xây dựng hai nhà máy còn lại sẽ được tiến hành sớm.

Theo dự kiến, tháng 11/2016 thủy điện Bảo Lâm 1 sẽ tích nước lòng hồ, phát điện tổ máy số 1. Đến 31/12/2016 sẽ phát điện tổ máy số 2,hoàn thành xây dựng nhà máy. Thời gian không phải là rộng  dài đối với người thợ xây dựng thủy điện.

Với việc tất cả những người thợ có mặt đúng hẹn trong mùa thi công đầu tiên, công  trường đã được tiếp thêm sinh lực mới. Các dự án thủy điện trên sông Gâm đã được khởi động,trong tương lai sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung./.