Đứt gãy chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm do người dân thắt chặt chi tiêu, hàng hoá không thể xuất khẩu vì đóng cửa biên giới dẫn đến hàng hoá tồn đọng. Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp tác động của dịch Covid-19 lên chuỗi giá trị bao gồm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, hao hụt và lãng phí nông sản tăng. Cung cấp vật tư đầu vào khó khăn, trong khi giá nông sản và sản lượng tiêu thụ lại giảm…
Trong bối cảnh ảnh hưởng, khảo sát cho thấy các nhu cầu hỗ trợ với sản xuất nông nghiệp bao gồm: Thị trường, đầu vào sản xuất nông nghiệp, vay vốn, giảm lãi suất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giãn trả nợ vay, hỗ trợ tài chính…
PGS. TS Đào Thế Anh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là sản phẩm tươi trái cây, rau củ quả, tiếp đó là sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, một số sản phẩm đã qua chế biến, bảo quản lại có giá trị xuất khẩu tăng như lúa gạo...
“Tình hình xuất khẩu thị trường tiểu ngạch Trung Quốc đặc biệt giảm mạnh trong khi thị trường chính ngạch lại thuận lợi hơn. Các chuỗi giá trị ngắn cung ứng cho đô thị hoạt động, các chuỗi giá trị có hợp đồng ổn định hơn” - PGS. TS Đào Thế Anh phân tích.
Trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế của hộ nông dân và hợp tác xã bộc lộ rõ hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị. Do quy mô sản xuất nhỏ với 80% hộ có đất canh tác dưới 1ha nên rất manh mún, phân tán và tiêu thụ hàng hóa chủ yếu mua bán qua thương lái.
Để nông nghiệp tiếp tục phát triển trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến sản phẩm, giảm tỷ lệ hao hụt. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu trong "tình hình mới"
Bên cạnh những ảnh hưởng, khó khăn do dịch Covid-19, ngành nông nghiệp vẫn có những cơ hội. Nhu cầu tiêu thụ nông sản của thế giới vẫn tăng, trong khi Việt Nam cơ bản có nền sản xuất ổn định. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CCTPP) được ký kết mở ra các thị trường rộng lớn, thách thức đặt ra là tiêu chuẩn chất lượng cao từ các thị trường nhập khẩu.
Việc thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cũng cần được tăng cường nhằm đảm bảo quá trình lưu thông sản phẩm, đảm bảo sự phân phối lợi ích hài hoà giữa các tác nhân trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối mới, hệ thống bán hàng hiện đại (online).
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm về xuất khẩu nông sản, công ty đã tìm cách đa dạng hóa thị trường từ sớm trước khi dịch Covid-19 diễn ra, đã đổi mới trong công nghệ và xuất khẩu chính ngạch tư rất lâu.
“Trong dịch Covid-19, các nhân viên có thể hoàn toàn làm việc từ xa, thậm chí qua điện thoại mà không hề gặp trở ngại gì. Điều này giúp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của công ty đạt đến 120-130%” - ông Phan Minh Thông nói.
Ngoài sự thích ứng về công nghệ, tổ chức chuỗi sản xuất tiêu thụ thì nguồn tư liệu cho sản xuất nông nghiệp là đất đai cũng cần được tính toán hợp lý khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp sau dịch Covid-19.
Qua nghiên cứu trường hợp điển hình tại xã Liên Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), Ths. Đặng Thị Bích Thảo (Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách) cho biết, ở xã Liên Giang, rất nhiều người có suất đất ruộng nhưng hiện không còn ở xã (vào miền Nam làm ăn, lên thành phố). Đất của những người này thường được cho các hộ khác ở xã mượn (không mất tiền) để canh tác.
Việc cho mượn đất (không lấy tiền) là rất phổ biến tại xã Liên Giang. Thậm chí một số chủ đất còn nộp hộ tiền “thóc nước” (chi phí thủy nông, dịch vụ khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật) cho người mượn đất. Tâm lý của người dân là sợ bỏ hoang đất sẽ bị thu hồi, do đó họ “nhờ” người khác canh tác và giữ hộ ruộng cho mình. Năm 2019, trong khi diện tích đất thuê, mượn chiếm 31%; diện tích đất không thuê, mượn ở xã này chiếm 69%.
Sự lãng phí đất sản xuất, khi có đất ruộng nhưng không có nhu cầu đem cho mượn, cho canh tác nhờ. Trong khi đó, những hộ gia đình sản xuất nông nghiệp quy mô mong muốn tích tụ ruộng đất lại không có cơ hội thực hiện.
Ths. Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi đề nghị, đánh giá lại một cách thấu đáo về vai trò của đất đai, nông nghiệp trong giai đoạn mới.
"Để thúc đẩy nguồn cung cho thị trường giao dịch đất nông nghiệp, cần gỡ bỏ các rào cản cứng nhằm hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp, thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất. Xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế” - Ths. Trương Quốc Cần nêu ý kiến./.