Triển khai không chờ kết luận

Dự án Trung tâm Y tế Quận 8 có diện tích hơn 5.200m2, là dự án thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư hơn 107 tỷ đồng. Dự án có 11 trường hợp bị ảnh hưởng và đến nay, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 8 đã bàn giao mặt bằng sạch để Ban Quản lý dự án quận triển khai đúng tiến độ.

Năm 2023, dự án được UBND TP.HCM điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 40 tỷ đồng. Đến nay, Quận 8 đã giải ngân hơn 31 tỷ đồng, đạt 77,6% kế hoạch. Dự kiến đến hết tháng 12, Quận sẽ giải ngân đạt tỉ lệ 95%. Thời điểm này, dự án đã hoàn thành xong thi công phần khung, đổ sàn bê tông, đồng thời đang xây tường khối nhà chính.

Với tiến độ triển khai, dự án sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong Quý 1 năm 2024. Đây là điều mong mỏi của y, bác sĩ khi trung tâm y tế quận đang phải tận dụng trụ sở cũ của UBND Quận làm nơi khám chữa bệnh với điều kiện và công năng sử dụng còn thiếu thốn.

Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 8 chia sẻ: “Tất cả anh em rất phấn khởi. Mong mỏi cái ngày khánh thành trụ sở mới để được về, để được làm việc trong một môi trường hết sức khang trang, để hiệu suất làm việc tốt hơn. Đặc biệt nhất là tập thể cán bộ chủ chốt trung tâm rất phấn khởi vì khi tòa nhà mới đưa vào hoạt động thì sẽ triển khai hoạt động cấp cứu cho người bệnh cũng như là hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám đa khoa được khang trang hơn và đầy đủ phòng ốc hơn”.

Năm 2023, Quận 8 được UBND TP.HCM giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công hơn 677 tỷ đồng cho 55 dự án do Quận làm chủ đầu tư; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho hai dự án do các Ban của TP.HCM làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 279 tỷ đồng.

Tính đến nay, dự án do Quận làm chủ đầu tư đã giải ngân được gần 81%, dự kiến hết năm nay giải ngân trên 95%. Còn dự án Nạo vét trục thoát nước Rạch Xóm Củi và dự án Xây dựng bờ bao và cống ngăn triều trên rạch Cầu Sập do thành phố làm chủ đầu tư đã giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100%.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết, trong giải ngân vốn đầu tư công, khó khăn lớn nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng. Với quyết tâm chính trị cao nhất để dự án dân sinh sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân, Ban Thường vụ Quận ủy đã phân công thành viên của Ban Thường vụ trực tiếp tham gia vào ban chỉ đạo, tổ công tác vận động.

Để người dân yên tâm bàn giao mặt bằng, Quận đã phối hợp với đơn vị liên quan rà soát và bố trí quỹ nhà tái định cư. Áp dụng bố trí quỹ nhà cho thuê, thuê mua với những hộ dân không đủ điều kiện. Không chỉ áp dụng những quy định về tái định cư được pháp luật cho phép nhưng từ trước đến nay chưa được quan tâm đúng mức, Quận 8 còn “vượt quy định” về cấp phép xây dựng trước cho những hộ gia đình nhường đất cho dự án nhưng chưa kịp thời gian hoàn thiện giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh, theo ông Phạm Quang Tú còn do Quận không ở tâm thế chờ đợi mà quyết liệt đeo bám sở, ngành để giải quyết khó khăn vướng mắc: “Về công tác phối hợp giữa Quận 8 với sở, ngành: Sau khi có khó khăn, vướng mắc thì tổ chức họp bàn ngay để giải quyết. Các đơn vị cũng không chờ thông báo kết luận mà thực hiện ngay theo ý kiến đã thống nhất trong cuộc họp. Từ đó đẩy nhanh được tiến độ, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan tới hồ sơ bồi thường, hồ sơ xây lắp”.

Chủ tịch huyện trực tiếp xử lý trường hợp khó khăn

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Củ Chi đã và đang triển khai hơn 17 dự án đầu tư công với khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn. Trong đó có dự án trọng điểm như: Vành đai 3 TP.HCM; dự án nâng cấp, mở rộng đường Tỉnh lộ 8; dự án sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 7…

Để đảm bảo triển khai hoàn thành và bàn giao mặt bằng dự án theo yêu cầu đề ra, huyện Củ Chi đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Huyện ủy là Trưởng Ban. Ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch, thống nhất điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ công tác, bám sát thực địa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân...  Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cũng lập nhóm zalo để trực tiếp chỉ đạo giải quyết vướng mắc với từng trường hợp, từng hộ dân cụ thể.

Với quyết tâm cao, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, chỉ chưa đầy 5 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phần bồi thường của 17 dự án được hơn 2.160 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,99%. Riêng vốn bố trí cho 210 dự án do huyện làm chủ đầu tư đã giải ngân được hơn 867 tỷ đồng đạt 80,3%, vượt 1% so với kế hoạch giải ngân UBND huyện đăng ký với Thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: “Các dự án do huyện làm chủ đầu tư đều thực hiện theo cách là, sau khi kiểm kê, ghi nhận tài sản thiệt hại của người dân thì tổ chức vận động người dân bàn giao mặt bằng để thi công ngay thì mới đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Còn cách cũ là bồi thường xong rồi mới tiến hành xây lắp. Như vậy mất nhiều thời gian hơn”.

Năm nay, TP.HCM được giao giải ngân 68.000 tỷ đồng. Đến 5/12, TP.HCM giải ngân đầu tư công hơn 50%. Con số này còn rất xa mục tiêu đề ra là giải ngân đạt 95%. Nguyên nhân giải ngân đầu tư công còn chậm được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ ra tại Hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, đó là:  do địa phương, đơn vị cứ loay hoay làm thủ tục lấy ý kiến, cho ý kiến, nghiên cứu câu trả lời lòng vòng và cuối cùng không thực hiện được.

Rõ ràng, khi mà đa số còn “sợ” quy định thủ tục trong giải ngân vốn đầu tư công thì tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm, cách làm quyết liệt của đơn vị về đích sớm như: Quận 8, huyện Củ Chi, Quận Gò Vấp cần được khuyến khích, nhân rộng.

Cùng loạt bài: Giải ngân vốn đầu tư công, kinh nghiệm của đơn vị về đích sớm

Bài 1: Để dân tin thì vận động, tuyên truyền phải thực tế