Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang thi công nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia như cao tốc, cảng cá động lực, đường liên vùng. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã hoàn thành và đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo chuẩn bị đưa vào khai thác. Riêng đoạn Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83km, nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Khánh Hòa được khởi công từ đầu năm 2023, các nhà thầu đã huy động hơn 1.800 công nhân, 1.000 máy móc làm việc 3 ca liên tục. Đến nay, địa phương đã bàn giao 99,6% diện tích mặt bằng cho chủ đầu tư, một số đoạn đã thảm nhựa. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 6/2025, vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch.

Ông Trương Anh Đài, công nhân Công ty Cổ phần Lizen, nhà thầu thi công dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang cho biết, tiến độ thi công của đơn vị đã vượt 3% so với kế hoạch đề ra.

Ông Đài cho biết: "Các mũi thi công đường, hầm chui, cống hộp, cầu đang diễn ra liên tục. Anh em làm việc đều 3 ca, bố trí suất ăn tại công trường. Anh em ăn xong tiếp tục triển khai thi công tại công trường, hết ca sẽ về để thay ca mới, đảm bảo tiến độ công trình và kiếm thêm thu nhập về cho gia đình".

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, dự án đường liên vùng kết nối 3 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư đang khẩn trương thi công. Chủ đầu tư vừa thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, vừa huy động nhà thầu tổ chức thi công. Tuy chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng nhưng các địa phương đã tích cực hỗ trợ mở đường công vụ, phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình thi công đường gom, đường nhánh, đường dẫn.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Không có công trình nào có mặt bằng hoàn hảo, mình phải tổ chức tốt, đưa ra những vị trí ưu tiên, chỗ có đường tiếp cận thi công ngay. Thực hiện cân bằng đào đắp không cần đợi cấp mỏ. Vừa rồi, chưa có cấp mỏ nhưng lấy đất chỗ đào đưa sang chỗ đắp thì vẫn có công địa thi công, đào qua đồi đó, lấy đất đó để đắp".

Ngày 2/4/2024, tỉnh Khánh Hòa sẽ khởi công các công trình kỷ niệm ngày giải phóng quê hương như công trình Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh; Trung tâm hành chính thành phố Nha Trang... 

Ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, đơn vị chủ đầu tư công trình Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, công trình này rộng hơn 2,3 ha tại số 01, đường Trần Phú, tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng. Theo thiết kế, trụ sở mới được kết nối thuận lợi giữa các cơ quan, phù hợp trong quá trình hoạt động, sử dụng và giao dịch.

"Mặt bằng rất quan trọng, quá trình mặt bằng sạch, nhà thầu sẽ triển khai nhiều phương án và đảm bảo thi công 3 ca, 4 kíp để rút ngắn thời gian. Dự án trụ sở Tỉnh ủy, Ủy ban sẽ hoàn thành vào tháng 6/2025, kế hoạch của Chủ đầu tư đã xây dựng chi tiết theo thời gian từng tháng, từng quý để đảm bảo rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai của nhà thầu" - ông Hiến cho biết.

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Khánh Hòa hơn 7.600 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn được gần 6.200 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn mới đạt hơn 6%. Nguyên nhân giải ngân thấp do các chủ đầu tư phải tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn của năm trước còn lại. Ngoài ra, một số dự án lớn đang thực hiện đấu thầu nên chưa thể giải ngân vốn. UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục làm việc với từng chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án lớn, đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định các dự án có thể chuyển vốn nếu đến cuối năm không thực hiện giải ngân đạt tiến độ.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chủ đầu tư nêu cao trách nhiệm trong việc giải quyết các vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng. Tỉnh sẽ linh hoạt thực hiện tốt Nghị quyết 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có các nội dung như điều chỉnh cục bộ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất rừng, tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. 

"Qũy đất tái định cư, từng địa phương không ai khác các mà chính các địa phương phải xác định ở những vị trí thuận lợi, phải bố trí vốn để đầu tư cho hoàn thiện. Đừng nghĩ rằng, tái định cư phải vào chỗ heo hút, chúng tôi đề nghị bố trí cho bà con vào vị trí thuận lợi. Ở địa phương nào, quỹ đất ít, hết thì phải ưu tiên cho việc này. Cần thiết, báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch, Nghị quyết 55 đặc thù của Quốc hội cho chúng ta điều này" - ông Ninh nhấn mạnh.