Kết thúc năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa mới đạt 70% kế hoạch. Trong đó, dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, thành phố Nha Trang có tổng mức đầu tư 760 tỷ đồng. Công trình khởi công từ năm 2020, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Đây là dự án môi trường quan trọng, ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn trên sông Cái Nha Trang vào mùa khô, thoát lũ vào mùa mưa, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 người. Ngoài ngăn mặn, dự án cũng kết hợp chức năng cầu vượt sông Cái.

Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa về đích do vướng mặt bằng tại các vị trí tiếp giáp bờ sông. Mặt khác, dự án đường vành đai 2 kết nối 2 đầu thân đập với các tuyến giao thông cũng chưa giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm nay, nguy cơ xảy ra tình trạng cầu phải chờ đường dẫn.

Ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa - Chủ đầu tư dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đập ngăn mặn, hiện nay đã phê duyệt phương án toàn bộ, đã chi trả và có chủ trương cưỡng chế 11 trường hợp. “Cần phải hoàn thành dự án đường vành đai 2, khi đó dự án đập ngăn mặn mới phát huy hết tác dụng. Vì khi kết nối đường vành đai 2 với đập ngăn mặn sẽ tổ chức giao thông tốt hơn", ông Hiến cho biết.

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn có hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia như các dự án đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và các đường dây truyền tải điện cao thế.  Đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Khánh Hòa đạt khoảng 70% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực tế, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt 81,4%. 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhất là hệ lụy từ những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, làm kéo dài thời gian xác minh nguồn gốc đất, chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Một số chủ đầu tư chưa thật sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị. Năm 2023, thị xã Ninh Hòa được tỉnh Khánh Hòa phân bổ hơn 520 tỷ đồng. Trong số này, một số công trình chậm tiến độ như dự án kè sông Đá Hàn. UBND thị xã Ninh Hòa xử phạt chủ đầu tư hơn 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Quyền Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, ngoài các dự án của thị xã, của tỉnh, địa phương còn tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm quốc gia qua địa bàn.... với hơn 2.700 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong khi đó, số lượng nhân lực quá ít đang là khó khăn nhất của địa phương này.

“Với khối lượng công việc và số lượng người như thế rất khó đảm bảo được công việc đặt ra. Tôi mong muốn tỉnh xin Trung ương có cơ chế chính sách, bởi các cán bộ không làm được việc, năng lực yếu hiện đã xin nghỉ hết. Tỉnh cũng nên quan tâm hỗ trợ các địa phương để hỗ trợ sắp xếp, giao chỉ tiêu biên chế cho các địa phương", bà Hải đề đạt.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân đầu tư công; yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành giải ngân ở mức cao nhất kế hoạch vốn đầu tư công. Tỉnh yêu cầu tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 ngay từ đầu năm, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án nhất là về giải phóng mặt bằng.

Ông Đàm Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đáp ứng yêu cầu khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn tại Khu Kinh tế Vân Phong cần phải huy động nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia ngay từ đầu.

"Huyện phải thành lập Tổ công tác, cả thanh tra huyện cũng phải vào cuộc ngay từ đầu để nắm bắt, trong quá trình giải quyết khiếu nại cho kịp thời. Tổ công tác này phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất, các cơ quan liên quan, khi vướng chỗ nào giao Tổ công tác xuống thực địa kiểm tra, đánh giá tình hình, tham mưu kịp thời tháo gỡ", ông Quang cho biết.

Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai hàng loạt dự án lớn, quy mô mỗi dự án hàng ngàn tỷ đồng như đường liên vùng huyện Diên Khánh; đường từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 (tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận); tuyến đường ven biển từ Vạn Lương, Vạn Ninh đi Ninh Hoà...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa lưu ý, trước mắt phải khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp giữa các Sở, ngành với địa phương, giữa chủ đầu tư với các cơ quan có liên quan; quy định rõ thời gian, chế tài xử lý đối với các trường hợp chậm/không trả lời văn bản của các cơ quan, đơn vị chủ trì. 

Đồng thời, xem xét thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư công ở cấp huyện phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, quy định, quy trình của các địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư công đề xuất cơ chế, chính sách hiệu quả để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua và tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, ưu tiên xác định quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân tại các vị trí thuận lợi. Các khu tái định cư phải được đầu tư hạ tầng thiết yếu, đồng bộ, bảo đảm quyền lợi chính đáng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; Thực hiện việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng theo theo Nghị quyết số 55/2022 của Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

"Tỉnh đầu tư các khu tái định cư trước cho người dân, khi đến giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm mới có thể làm là chính sách rất ý nghĩa. Đầu tư công, giải ngân đầu tư công trong giai đoạn hiện nay của tỉnh không chỉ mang ý nghĩa thông thường, mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hướng đến mục tiêu tạo ra những không gian phát triển, tạo được các nguồn lực để đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương", ông Nguyễn Hải Ninh khẳng định.