10 giờ sáng, khu vực Trạm biến áp 500KV Vân Phong, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nắng gay gắt, gió biển từ vịnh thổi vào cũng không làm cho thời tiết dễ chịu hơn. Trên những trụ điện cao thế cao 40m, từng nhóm công nhân của Công ty truyền tải điện 3 đang bơm nước cao áp, xịt, rửa các trụ sứ cách điện, vệ sinh đường dây.

Anh Ngô Hữu Bảo Thịnh, đội trưởng đội đường dây, Công ty truyền tải điện 3 cho biết, đây là việc làm thường xuyên trong mùa nắng để đảm bảo an toàn cho đường dây truyền tải điện quốc gia. Làm việc trên cao, nắng nóng, lại không cắt điện cao thế nên mọi người phải hết sức cẩn thận.

"Đặc điểm ở đây là gần với Nhà máy, ngoài lượng bụi, khí thải thường xuyên bám vào các sứ cách điện. Vùng ven biển nguy cơ phóng điện lên bề mặt trụ sứ sẽ cao. Vệ sinh để ngăn ngừa sự cố phóng điện. Vệ sinh trực tiếp trên lưới đang mang điện, chúng tôi dùng nước đã khử ion để loại bỏ các thành phần mang điện, dẫn điện. Dùng áp lực cao bắn vào các bát sứ cách điện để phá vỡ các thành phần bụi bẩn bám vào, làm sạch trụ sứ", anh Thịnh nói.

Truyền tải điện Khánh Hòa đang vận hành 6 công trình đường dây với tổng chiều dài hơn 700 km, 1 trạm biến áp 500 kV và 3 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng 3.100 MVA đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Đường dây ở tỉnh Khánh Hòa băng qua đa phần là đồi núi, phần đồng bằng chủ yếu đi qua đất trồng mía. Những năm trước đây, khu vực đã xảy ra cháy rừng, cháy mía, uy hiếp an toàn đường dây.

Ông Hồ Văn Hường, Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết, đối với công tác chống cháy hành lang, đơn vị đã thực hiện hoàn thành 100% tổng khối lượng đề ra. Đồng thời, có phương án bố trí nhân sự kết hợp với giám sát qua camera gắn tại các vị trí xung yếu để luôn theo dõi chặt chẽ các khu vực trồng mía và nắm bắt thông tin liên tục nếu có thay đổi trong việc thu hoạch, đốt thực bì, xác lá mía từ phía người dân.

"Mía nhiều ở khu vực thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh. Đội truyền tải điện làm việc chặt chẽ với các địa phương, có gì là báo ngay. Khoanh vùng những khu vực xung yếu, dễ bị cháy nhất, tăng tần suất kiểm tra, rà soát. Trước đó, đã đi dọn, phòng ngừa trước, rà soát hàng tuần. Ở những đoạn rừng có thực bì dày, phát cho mỏng ra, nếu có cháy không ảnh hưởng đến an toàn của lưới điện", ông Hồ Văn Hường cho biết.

Tháng 3/2024, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa với tổng công suất hơn 1.300 MVA được khánh thành, dự kiến cấp thêm khoảng 8,5 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng điện năng toàn quốc. Nhà máy là điểm sáng của kinh tế tỉnh Khánh Hòa, giúp chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 50%, sản xuất điện tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Truyền tải Điện Khánh Hòa đảm nhận nhiệm vụ giải tỏa và truyền tải toàn bộ công suất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh lên hệ thống điện quốc gia.

"Chúng tôi là nhân viên quản lý vận hành, phải đảm bảo tình trạng làm việc của tất cả thiết bị tốt nhất. Cung cấp công suất liên tục từ Nhà máy Nhiệt điện tới mạch đường dây 500 KV. Trong đó, các thiết bị nhất thứ, nhị thứ có mức độ quan trọng. Trong ca trực, túc trực kiểm tra các trang thiết bị, soi phát nhiệt, có biện pháp xử lý kịp thời", ông Luyện Trường Ca, Trạm trưởng trạm trưởng Trạm biến áp 500KV Vân Phong cho hay.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều sự kiện quan trọng để thu hút khách. Sắp đến, tỉnh sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch biển, Lễ hội Vịnh Ánh sáng với mục tiêu thu hút 9 triệu lượt khách  trong năm nay. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác của tỉnh cũng đang phục hồi tốt, tăng trưởng khá  gần 20%, như xuất khẩu tàu biển, thủy sản, yến sào. Ngành điện lực đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, Tổng công ty điện lực Miền Trung tăng 14%. 4 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 16%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong Tập đoàn điện lực Việt Nam. Toàn công ty đang có hơn 435 ngàn khách hàng, để đáp ứng nhu cầu điện của khách hàng, tỉnh Khánh Hòa có hơn 200 khách hàng ưu tiên cấp điện, gần 50 khách hàng sử dụng điện trọng điểm. Đây là những công sở, doanh nghiệp sản xuất, vui chơi giải trí cần đáp ứng điện liên tục để điều hành, kinh doanh. Doanh nghiệp vận động các cơ sở thay đổi giờ sản xuất từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng cao nhưng với nhiều giải pháp chủ động, ngành điện đã đáp ứng được nhu cầu, đảm bảo cấp điện ổn định cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết: "Chưa có trường hợp nào cắt điện đột xuất, chỉ trừ trường hợp có sự cố lưới điện ngoài dự kiến. Cố gắng xử lý trong thời gian ngắn nhất, không quá 2 giờ đồng hồ. Từ đầu mùa khô đến nay, lưới điện ở Khánh Hòa vận hành ổn định, chỉ có vài sự cố, đã chuyển lưới, chuyển sang phương thức cấp bách khác giải quyết được ngay. Chúng tôi huy động nhân lực để giải quyết, cố gắng giải quyết nhanh nhất".