Theo “Đề án phát triển nuôi trồng trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diện tích nuôi biển vào năm 2025 đạt 280.000 ha và đến năm 2030 đạt 300.000 ha với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD mỗi năm.

Khẳng định tầm quan trọng của nghề nuôi biển, các đại biểu cho rằng, khai thác được tiềm năng lợi thế nuôi biển không chỉ nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nuôi biển không chỉ có vị trí quan trọng về tự nhiên mà còn có ý nghĩa rất lớn về môi trường.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, biến đối khí hậu càng phức tạp thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản càng có nhiều cơ hội để phát triển bền vững hơn. Chưa kể về mặt thị trường thì các loại thủy sản ven biển có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng hơn, cung luôn không đáp ứng đủ cầu. Ông Tuấn lưu ý, bên cạnh tiềm năng và lợi thế nghề nuôi biển cũng đối mặt với nhiều thách thức trong đó môi trường nuôi biển là nuôi hở nên phải chú trọng đến quan trắc môi trường và cảnh báo kịp thời đến người nuôi.

“Về quan trắc môi trường nhà nước làm một phần nhưng các trang trại cũng phải tham gia vì nuôi ven biển bị chi phối bởi các nguồn thải rất nhiều bên ngoài với diễn biến phức tạp nên nhiều phải chủ động giám sát liên tục” - ông Tuấn nói.

Khuyến cáo người nuôi biển phải tổ chức lại sản xuất và xây dựng lại vùng nuôi cho phù hợp hơn, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian qua nhiều địa phương đã phê duyệt Chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương trong quá trình thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước ven biển xảy ra nhiều bất cập, thậm chí xung đột lợi ích giữa người làm nghề nuôi trồng thủy sản ven biển với các địa phương như: Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa…nhiều khu vực nuôi trồng thủy sản giàu tiềm năng bị lấn chiếm để khai thác cát, cũng như làm khu công nghiệp và du lịch.

“Phải tổ chức được sản xuất trên cơ sở đã ban hành từ kỹ thuật đến mật độ, số lượng, năng suất và thời vụ thời điểm thả giống. Đầu mối tiêu thụ, bán ra ở đâu, kế hoạch sản xuất ra sao phải đảm bảo đúng quy định. Các quy định văn bản quy phạm pháp luật chúng ta đã có nhưng điều cần nhất là thực hiện nghiêm túc khi đó sẽ giảm thiểu những rủi ro về môi trường nuôi cũng như thực hiện đúng quy hoạch ở các địa phương, tạo điều kiện phát triển bền vững ngành nuôi biển” - ông Luân nói./.