Sau phản ánh của VOV liên quan tới tình trạng quá tải, nhếch nhác, có dấu hiệu buông lỏng chống dịch tại bãi tập kết hàng hóa của Công ty Cổ phần Logistic Việt Trung trong khu vực Cửa khẩu Kim Thành (thành phố Lào Cai), cơ quan chức năng đã kiểm tra thực tế và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục nghiêm túc.

Theo ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, hiện nay, Công ty Logistic Việt Trung đang là đơn vị duy nhất có đủ điều kiện phòng dịch được phép đón xe hàng từ Trung Quốc về sang tải. Thời gian gần đây, mỗi ngày có trên dưới 200 xe vào bãi, chủ yếu là hàng nông sản rau, củ, quả. Số lượng xe này tuy không nhiều nhưng nguyên nhân gây ách tắc chính xuất phát từ thói quen kinh doanh manh mún của các doanh nghiệp nhỏ lẻ.

vov_bai_tap_ket_hang_cua_cong_ty_logistic_viet_trung_da_sach_se_nghiem_chinh_hon_dmid.jpg
Bãi tập kết hàng của Công ty Logistic Việt Trung đã sạch sẽ, thông thoáng hơn.

Ông Thuận cho biết, qua kiểm tra cho thấy có tới 80% xe nông sản từ Trung Quốc về nhưng năng lực yếu không thể giải phóng hết ngay mà vừa tìm đầu ra vừa sang tải nhỏ giọt. Vô hình trung ngay trong bãi tập kết của Công ty Logistic Việt Trung hình thành một “chợ biên giới”, nhiều xe từ nội địa vào sang tải, nhưng không tập trung ở một xe mà đi thu gom mỗi nơi, mỗi loại hàng một ít dẫn đến tình trạng lộn xộn, ách tắc cục bộ.

Thêm vào đó, trong thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm thiểu, hàng hóa bán chậm, có xe đậu đỗ tại bãi cả tuần góp phần gây quá tải, hàng nông sản trên xe quá hạn bảo quản bị thối rữa, có chủ xe đổ luôn tại chỗ gây mất vệ sinh.

“Không có quy định về thời gian sang tải nhanh hay chậm nên không ép doanh nghiệp được. Vì thế chỉ mong các doanh nghiệp cùng chia sẻ, thói quen xuất nhập khẩu như hiện nay cũng cần phải thay đổi nếu không có mở rộng sân bãi ra nữa thì vẫn sẽ ùn tắc” - ông Thuận nói.

Vừa qua, khi ách tắc, ùn ứ xảy ra, Công ty Logistic Việt Trung có thu tăng giá đậu đỗ phương tiện đối với các xe lưu lại từ đêm thứ 2, ông Thuận cho biết Ban Quản lý đã lập biên bản, yêu cầu Công ty giải trình vì giá do doanh nghiệp tự điều chỉnh nhưng muốn thu hợp lệ phải kê khai rõ ràng được Sở Tài chính thông qua.

Mỗi tổ bốc xếp yêu cầu dưới 10 người, mang khẩu trang đầy đủ.

Nhằm tăng cường yếu tố phòng dịch, nhất là từ sau Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai yêu cầu Công ty Logistic Việt Trung kiểm soát chặt chẽ người ra vào bãi, thực hiện khai báo y tế đối với các lao động tham gia bốc xếp, mỗi tổ bốc xếp chỉ được dưới 10 người (đặc thù cửa khẩu), phải trang bị bảo hộ phòng dịch đầy đủ. Các phương tiện đậu đỗ chờ sang tải phải giữ khoảng cách mỗi xe 5m. Công ty cũng phải bố trí xe môi trường vệ sinh sạch sẽ sân bãi, đảm bảo yếu tố phòng dịch.

Nhằm giảm tải áp lực cho bãi Việt Trung, Ban Quản lý đang khẩn trương cho nâng cấp bãi Trung tâm Dịch vụ Khu Kinh tế với diện tích 1,8 ha cho đủ điều kiện phòng dịch, khi đó cơ bản sẽ giải quyết được ùn tắc phương tiện từ Trung Quốc về. Trường hợp cần huy động thêm nữa, Ban sẽ đề nghị nâng cấp, sử dụng thêm bãi 379 của Bộ Công an với diện tích khoảng 5 ha.

Ngoài ra, hiện nay còn một bãi logistic nữa của công ty Nghĩa Anh nằm ở vị trí rất thuận lợi, được xây dựng khang trang và có phương án phòng dịch chi tiết nhưng đang để lãng phí, ông Hà Đức Thuận cho biết, Ban Quản lý đã xem xét đưa phương tiện Trung Quốc vào bãi này, tuy nhiên đang bị vướng về mặt pháp lý.

Cụ thể, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo số 808 ngày 5/2/2020 của Văn phòng Chính phủ, người điều khiển phương tiện hàng hóa qua biên giới chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào trong nội địa.

Thêm vào đó, theo văn bản 1414 ngày 8/4/2019 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành thì bãi Nghĩa Anh dù ngay gần cửa khẩu nhưng lại nằm ngoài ranh giới nên vẫn thuộc về nội địa, lái xe không thể vào. Trong trường hợp muốn cho xe vào thì phải đổi lái để lái xe Trung Quốc cách ly tại chỗ nhưng hiện nay nhà liên ngành tại cửa khẩu chưa bố trí được khu cách ly đáp ứng yêu cầu nên chưa thực hiện được.

“Chính phủ chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng phải ưu tiên hàng đầu công tác phòng, chống dịch, thậm chí phải chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế, vì thế mong các doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ để cùng thực hiện mục tiêu chung” - ông Thuận cho biết./.