Bên lề kỳ họp, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phỏng vấn đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về vấn đề này:
** Thưa ông, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm và năm 2013 thì cần thực hiện những biện pháp gì?
Thứ nhất, vấn đề rất quan trọng là chúng ta phải đánh giá được thực chất những vấn đề đang ách tắc của nền kinh tế. Và tập trung vào 3 vấn đề: một là làm thế nào, chính sách ấy xử lý được thành công, có hiệu quả nợ xấu, tồn kho của các doanh nghiệp hiện nay.
Hai là cùng với chính sách cấp bách đó cần lên kế hoạch dài hạn như đã nêu trong nghị quyết 3, 4, 5 của Trung ương.
Thứ 3 là phải nhân cơ hội những kết quả bước đầu của việc kiểm điểm Nghị quyết trung ương 4 các cấp, để đưa ra những kế hoạch, lộ trình sửa những khuyết điểm này một cách mạnh mẽ có hiệu quả, trong cả lãnh đạo chỉ đạo, trong cả giám sát. Chúng ta phải tạo nên 1 ý thức, động lực thực hiện. Đặc biệt là có được lòng tin.
** Thưa ông, để giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng hiện nay thì cần giải quyết những vấn đề gì và cần khoảng thời gian bao lâu?
Nợ xấu là vấn đề rất lớn, nó đang làm cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Muốn giải quyết chúng ta phải làm một cách bài bản và có lộ trình và phải tổng hợp rất nhiều biện pháp chứ không thể chỉ là 1 biện pháp.
Muốn giải quyết vấn đề nợ xấu thì phải giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm, phải giải quyết được sắp xếp các ngân hàng yếu kém, phải giải quyết được những điều kiện vay, khả năng quản lý mà không gây ra nợ xấu. Những vấn đề đang tồn đọng phải giải quyết thì ngân hàng mới cho doanh nghiệp vay tiếp được.
Ngân hàng đã hứa trước Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề nợ xấu. Nhưng nếu chúng ta cùng thiết kế được chính sách cụ thể và sát với thực tế, điều hành tập trung thì có khả năng sẽ được giải quyết sớm. Còn nếu không thì nó sẽ kéo dài. Nhưng theo tôi, cũng phải từ nay đến 2015 chúng ta mới giải quyết được cơ bản.
** Thưa ông trong thông tư 12, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng dừng hoàn toàn các hoạt động huy động bằng vàng trước ngày 25/11 năm nay, nhưng mới đây Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành văn bản số 7019 quy định thời gian đáo hạn các chứng chỉ huy động vàng được kéo dài đến hết tháng 6/2013, tăng thêm hơn 7 tháng so với thông tư 12. Ông đánh giá thế nào về việc lùi thời hạn huy động vàng và về việc quản lý thị trường vàng?
Vì tình thế chưa thực hiện được, có nhiều yếu tố nếu chúng ta làm vội vàng, gấp gáp sẽ gây thiệt hại cho ngân hàng, doanh nghiệp, người dân, cho nên phải lùi để chúng ta chuẩn bị điều kiện làm tiếp.
Muốn giải quyết được thị trường vàng một cách đầy đủ, có 3 việc chúng ta phải làm đồng thời.
Một là phải liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế.
Thứ 2 là phải có cơ chế rõ ràng trong quản lý vàng mua miếng.
Thứ 3 là phải tạo ra một hệ thống kinh doanh vàng tránh độc quyền, phản ánh được cung cầu và có khả năng giải quyết được một cách thông thoát, kịp thời nhu cầu cung cầu của dân kể cả trong tiêu dùng vàng và trong cả dự trữ vàng.
** Xin cảm ơn ông!/.