Tại Mỹ, chính sách xoay trục ôn hòa vào tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thúc đẩy khả năng đồng bạc xanh sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2024, mặc dù sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có thể hạn chế sự suy giảm của đồng bạc xanh.
Trong nước, phiên giao dịch cuối tuần (22/12), tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.915 VND/USD. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần được các ngân hàng áp dụng là 25.110 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.719 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh ngày cuối tuần được niêm yết tại BIDV ở mức 24.160 - 24.460 VND/USD (mua vào - bán ra). Như vậy, so với đầu tuần, giá đồng bạc xanh tăng 40 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra tại ngân hàng này. Giá đồng USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.130 - 24.500 VND/USD (mua vào - bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này tăng 70 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới USD Index đạt 101,360, giảm 0,12% vào lúc 7h10 ngày 23/12 theo giờ Việt Nam. Đồng USD giảm xuống mức thấp gần 5 tháng vào thứ sáu trước kỳ nghỉ cuối tuần, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, ủng hộ quan điểm rằng FED có thể cắt giảm lãi suất trong năm tới.
Chuyên gia Cole của Equiti Capital đánh giá: "FED đã đi trước so với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới về việc sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất đầu tiên. Điều này khiến đồng USD phải đối mặt với nguy cơ chênh lệch lãi suất".
Các quan chức FED đã phản đối ý tưởng cắt giảm lãi suất nhanh chóng vào năm tới, nhưng những nhận xét này không làm thay đổi được tâm lý các nhà đầu tư.
Thị trường đang chờ đợi Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 11/2023, thước đo lạm phát cơ bản của FED, để hiểu rõ hơn về triển vọng lãi suất của Mỹ. Những người tham gia thị trường kỳ vọng chỉ số này sẽ tăng 3,3% so với mức 3,5% hồi tháng 10/2023.
Dữ liệu trước đó vào thứ 5 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội tăng với tốc độ 4,9% hàng năm trong quý trước, được điều chỉnh giảm so với mức 5,2% trong báo cáo trước đó. Yếu tố chi tiêu tiêu dùng trong GDP quý III đã được điều chỉnh giảm xuống 3,1% từ mức 3,6% trong ước tính trước đó.
Ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng tại Bannockburn Global Forex nhận định con số GDP đã tăng trưởng ít hơn một chút so với dự đoán nhưng không có gì cho thấy thị trường đang cân nhắc lại mức độ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm tới, nên USD nhìn chung đã yếu đi.
Tại văn bản số 527/TB-VPCP do Văn phòng Chính phủ mới ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2023.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.