Trong khuôn khổ “Chuỗi sự kiện khoa học và công nghệ khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên”, sáng nay (7/11), tại thành phố Tuy Hòa, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức tọa đàm “Kết nối cung - cầu công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên”.

Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 12 tỉnh, thành phố, trong đó tiểu vùng duyên hải phát triển về công nghiệp- dịch vụ, còn tiểu vùng Tây Nguyên lại phát triển về nông nghiệp. Đây là khu vực tập trung các Viện nghiên cứu, Trường Đại học có nhiều sản phẩm nghiên cứu về nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm với nguồn cung khoảng 120 công nghệ. Trong khi các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang có nhu cầu tiếp nhận hơn 110 công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

congnghe_wmae.jpgSẽ chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp (Ảnh minh họa: KT)

Thời gian tới, các địa phương trong khu vực đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ đổi mới công nghệ, tổ chức liên kết vùng trong khoa học công nghệ, tạo sự liên kết giữa khoa học - đào tạo - sản xuất kinh doanh; chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp, hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các trung tâm chế biến nông, lâm sản, cà phê, cao su đạt tầm khu vực và quốc tế. 

Tiến sỹ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Hai tiểu vùng này cần phải có sự bổ sung, tương tác cho nhau, các máy móc, thiết bị phía Đông hỗ trợ, phát triển lên phía Tây, chủ yếu các công nghệ trong nông nghiệp. Trung tâm của vấn đề đổi mới công nghệ là doanh nghiệp. Phải nhiều cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ để doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới, đưa ra sản phẩm mới thì sẽ có nhu cầu đổi mới công nghệ. Lúc ấy mới cần đến Viện, Trường, mới chào bán công nghệ”./.