Theo dự báo của Tập đoàn tư vấn Boston, đến năm 2025, số lượng IoT kết nối qua mạng viễn thông sẽ khoảng 35 tỉ kết nối, mang lại doanh thu cho các nhà mạng 400 tỉ USD (chiếm 20% tổng doanh thu).

iot_khgc.jpg
Thiết bị IoT - động lực tăng trưởng mới cho nhà mạng. (Ảnh minh họa: KT).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, để có được khoản doanh thu này, ngoài việc phải biết cách khai thác những tiềm năng to lớn của IoT thì mỗi nhà khai thác viễn thông cần tìm cho mình những cách tiếp cận riêng sao cho phù hợp nhất với điều kiện thực tế của nhà mạng và nhu cầu thị trường.

Mặt khác, những vụ tấn công mạng nhờ IoT sẽ khiến diện bị tấn công lớn hơn, dễ bị tổn thương hơn. Các nền tảng mở và chia sẻ nguồn lực cũng sẽ khiến biên giới phòng vệ giữa các đơn vị, quốc gia truyền thống trở nên mờ nhạt hơn. Cùng với đó, dữ liệu lớn hơn làm tăng nguy cơ rò rỉ và tổn hại nhiều hơn.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu tận dụng tốt và có các biện pháp phòng ngừa an ninh mạng, IoT sẽ là động lực tăng trưởng mới cho các nhà khai thác viễn thông.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận định, các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung vào những lỗ hổng, điểm yếu của các thiết bị IoT mà điển hình là các camera giám sát, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho Chính phủ, đặc biệt là khi triển khai các dự án chính phủ điện tử hay thành phố thông minh.

Để đối phó với các thách thức về vấn đề bảo mật IoT, khung kiến trúc “3T + 1M” (3 Technology + 1 Management) bảo mật cho IoT, bao gồm 3 hệ thống công nghệ bảo mật cho thiết bị - hệ thống mạng - nền tảng và dữ liệu; một quy trình quản lý và vận hành bảo đảm an toàn.

"Ngoài thiết kế quy trình quản lý IoT, việc hợp tác quốc tế cũng là yếu tố rất quan trọng để tăng cường bảo mật và quyền riêng tư trong kỷ nguyên IoT", ông Nguyễn Thanh Hải lưu ý.

Không chỉ vậy, việc chưa có quy hoạch hay quy định cụ thể các đầu số sử dụng cho thuê bao di động và thiết bị IoT cũng gây khó khăn cho quản lý và bảo mật thông tin.

Theo ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, Việt Nam hiện vẫn dùng chung đầu số di động cả cho thuê bao người dùng và các thiết bị IoT.

"Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới ra đời và phát triển, việc điều chỉnh quy hoạch kho số sắp tới đây để đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số", ông Trần Mạnh Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT.

Giới chuyên gia khuyến nghị, trước hết cần xây dựng chiến lược hạ tầng rõ ràng và phù hợp mới đảm bảo tận dụng được ưu điểm cũng như quản lý tốt các thiết bị IoT.

"Trước kia mỗi người có một máy tính, chúng ta đã có hạ tầng internet. Thế nhưng, với xu thế của IoT, mỗi vật sẽ có một máy tính, tương ứng với lượng máy tính sẽ tăng lên hàng trăm nghìn lần. Như vậy, hạ tầng sẽ là yếu tốt quyết định cho IoT chạy thông suốt hay không", ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT nhấn mạnh.

Để xây dựng được hạ tầng chung cho thiết bị IoT, đòi hỏi sự tham gia không chỉ của riêng các nhà mạng mà cần có một nhạc trưởng chung là cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa ra lộ trình và cơ chế thực hiện./.