Việc sử dụng đồng Rupiah và đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại giữa hai nước được thực hiện sau khi Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác thanh toán tiền tệ địa phương (LCS) vào tháng 9 năm ngoái. Bản Ghi nhớ này bao gồm việc cho phép sử dụng báo giá tỷ giá hối đoái trực tiếp, nới lỏng các quy định trong giao dịch liên ngân hàng đối với đồng nội tệ Indonesia và Trung Quốc.
Giới chuyên gia kinh tế Indonesia đánh giá đây là dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác tài chính song phương giữa nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia. Việc sử dụng đồng nội tệ của nhau sẽ giúp cả Indonesia và Trung Quốc giảm sự phụ thuộc, tránh các rủi ro từ đồng USD, vốn là đồng tiền chính trong thực hiện các giao dịch quốc tế của hai nước.
Với Indonesia, hợp tác thanh toán tiền tệ địa phương với Trung Quốc sẽ giúp nước này kiểm soát sự mất giá của đồng Rupiah trước biến động của đồng USD, từ đó đảm bảo lợi ích cho các nhà nhập khẩu và ổn định nền tài chính. Dòng đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia cũng có thể tiếp tục tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khi sử dụng đồng Nhân dân tệ, Indonesia phải đối mặt với rủi ro nhất định bởi Trung Quốc thường xuyên thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia với thương mại hai chiều dự kiến đạt 79 tỷ USD trong năm 2021. Trong 5 năm trở lại đây, hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia tăng tới hơn 500%, gồm nhiều dự án cơ sở hạ tầng và khai mỏ. Năm 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia, sau Singapore, với 4,8 tỷ USD đầu tư.
Trước Trung Quốc, Indonesia đã có khuôn khổ hợp tác thanh toán tiền tệ địa phương với Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan ./.