Trong báo cáo mới nhất vừa đăng tải trên trang imf.org, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khen ngợi thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế giữa khủng hoảng dịch Covid-19, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện.
IMF ca ngợi nỗ lực và hành động quyết liệt của Việt Nam trong cả lĩnh vực kinh tế và y tế giúp đất nước gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và chống dịch Covid-19.
Báo cáo của IMF chỉ rõ, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 (tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới) và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.
Việc áp dụng nhanh chóng các biện pháp kiểm soát, kết hợp với truy vết tích cực, xét nghiệm đúng đối tượng và cách ly các ca nghi mắc Covid-19 đã giúp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp theo bình quân đầu người. Việc Việt Nam đứng trong danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm ngoái là nhờ các hoạt động trong nước sớm phục hồi và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu điện tử công nghệ cao khi mọi người trên thế giới làm việc tại nhà.
IMF cho biết, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường năng lực phục hồi của kinh tế. Dù vẫn còn một số điểm yếu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng được cải thiện, với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn so với trước kia.
Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước dịch Covid-19. Việc xây dựng các vùng đệm về tài khóa và tài chính trước đại dịch đã giúp Việt Nam đương đầu tốt hơn với cú sốc. Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế.
IMF cho rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Các chính sách trong ngắn hạn cần tập trung vào việc duy trì việc làm trong khi thúc đẩy sự phân bổ lại các nguồn lực. Cụ thể, việc này có thể được hiện thực hóa nhờ sử dụng trợ cấp tuyển dụng và các chính sách thị trường lao động tích cực để khuyến khích đào tạo việc làm. Mạng lưới an sinh xã hội hiện nay cần được mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao hiệu quả.
Theo khuyến nghị của IMF, Việt Nam cần tiến hành cải cách quyết liệt hơn để tận dụng tối đa tiềm năng tăng trưởng to lớn. Điều này đòi hỏi phải giải quyết các nguyên nhân khiến năng suất thấp. Việt Nam cũng nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách hướng tới giảm bớt gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp phải đối mặt, cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, đổi mới, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ.../.