Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 9/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) đã hạ 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,7% trong năm 2018 và năm 2019.

imf_9_10_wbaq.jpg
IFM đã hạ dự báo khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu năm 2018 xuống còn 4,2% và 4% trong năm 2019.

Báo cáo thu hút sự quan tâm của hàng nghìn quan chức tài chính và các nhà nghiên cứu, học giả tham gia cuộc họp thường niên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại tỉnh Bali, Indonesia.

Theo ông Maurice Obstfeld, chuyên gia kinh tế trưởng IMF, các dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã trở nên "quá lạc quan" sau khi xuất hiện nhiều rủi ro từ xung đột chính sách thương mại.

Đề cập đến những thay đổi trong chính sách thương mại, ông Obstfeld nhấn mạnh sự thay đổi trong hai hiệp định thương mại có quy mô khu vực. Cụ thể, hiệp định đa phương mới giữa Mỹ, Mexico và Canada thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang chờ phê chuẩn pháp lý và thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh liên quan đến Brexit.

Bên cạnh đó, các biện pháp thuế quan của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu có thể gây xáo trộn chuỗi cung ứng hiện có nếu như vấp phải các biện pháp trả đũa.

Chính sách thương mại và sự bất ổn trên thế giới tác động tới kinh tế vĩ mô ngày càng trở nên rõ rệt, tác động xấu tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia Maurice Obstfeld, chính sách thương mại thể hiện quan điểm chính trị, trong khi đó chính trị tại một số nước lại không ổn định, dẫn tới rủi ro càng tăng cao.

IFM đã hạ dự báo khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu năm 2018 xuống còn 4,2% và 4% trong năm 2019 - giảm tương ứng 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Mỹ và Trung Quốc - tâm điểm của cuộc chiến thương mại - sẽ tăng trưởng chậm hơn. IMF dự báo Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế lần lượt 2,9% và 6,6% trong năm 2018 và giảm xuống còn 2,5% và 6,2% trong năm 2019.

Báo cáo của IMF cũng hạ mức tăng trưởng đối với các thị trường mới nổi đang chịu áp lực bán tháo rất lớn những tháng qua. Tại một số nền kinh tế mới nổi đã xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường sau khi Mỹ tăng lãi suất cơ bản đồng USD.

Chuyên gia Maurice Obstfeld cho rằng, vấn đề đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã trở nên nghiêm trọng hơn do xuất hiện các dấu hiệu sụt giảm trong đầu tư, sản xuất chế tạo và tăng trưởng thương mại./.