Báo cáo của IMF cho biết giới chức toàn cầu đã thông báo các nỗ lực khẩn cấp lên tới 8.000 tỷ USD trong chi tiêu trực tiếp, cho vay và đảm bảo vay. Tới nay, hành động ứng phó của các chính phủ đã nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái từ 2007-2009. 20 nước giàu nhất thế giới đã dành ra 3,5% GDP của mình cho công tác chống dịch, hơn cả mức trong cả năm 2009.

covid_19_RFDG.jpg
Covid-19 đang tác động xấu đên kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP

Tuy nhiên, chính phủ các nước hiện đang phải cùng lúc đối mặt với các chi phí y tế trực tiếp nhằm đối phó với Covid-19 và chi phí thúc đẩy nền kinh tế đã hầu như bị đóng cửa hoàn toàn.

Một báo cáo riêng rẽ của IMF công bố ngày 14/04 dự tính tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 3% trong năm 2020. IMF dự báo tổng nợ tài khóa thế giới sẽ tăng từ 83,3% GDP trong năm 2019 lên 96,4% trong năm 2020. Đối với những nền kinh tế tiên tiến, chỉ số này có thể tăng từ 105,2% lên 122,4%.  

Theo báo cáo của IMF, ngay khi đại dịch được kiểm soát, các nước sẽ cần tiếp tục chi tiêu nhằm hỗ trợ khôi phục kinh tế mặc dù quá trình này có thể diễn ra chậm. Trong quá khứ, IMF đã kêu gọi các nước kiểm soát chi tiêu chính phủ để bảo đảm khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng bất ngờ.

Trong báo cáo mới nhất, IMF cho rằng các nước nên đối phó với Covid-19 và các ảnh hưởng kinh tế của đại dịch bằng mọi biện pháp cần thiết, tuy nhiên tổ chức này cũng kêu gọi các nước lên kế hoạch đưa các khoản nợ của mình xuống mức bền vững trong tương lai.     

Đối với các nền kinh tế tiên tiến, IMF cũng kêu gọi đầu tư dài hạn cho chăm sóc y tế, nghiên cứu và phát triển, và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các nước đang phát triển được khuyến nghị tìm cách cân đối nhu cầu gia tăng đầu tư cho chăm sóc y tế và kiểm soát nợ công./.