>> Cơ hội cuối cho gói cứu trợ Hy Lạp 

>> Hội nghị cấp cao Eurozone khó đạt thỏa thuận về nợ Hy Lạp

>> Liệu có nhượng bộ vào phút chót cho khủng hoảng nợ Hy Lạp

Hy Lạp tiến thêm một bước tới bờ vực phá sản sau khi cuộc đàm phán ngày 24/6 giữa quốc gia này với bộ ba chủ nợ kết thúc sớm mà không đạt được một thỏa thuận nào để phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán trước đó về gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (tương đương 270 tỷ USD).

Chủ nợ “siết” quá chặt

Hãng tin Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cùng bộ ba chủ nợ - Liên minh châu Âu (EU), Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - đã rời bàn đàm phán ở Brussel, Bỉ sáng sớm 25/6 (theo giờ Việt Nam) mà chưa đạt được triển vọng đột phá nào. Dự kiến, đại diện Hy Lạp và “bộ tam” chủ nợ này sẽ tiếp tục quay trở lại phòng họp vào chiều nay.

no_hy_lap_txoh.jpg
Hy Lạp và các chủ nợ chưa tìm được tiếng nói chung tại phiên đàm phán sáng 25/6 – (Ảnh: RT.com)

Thủ tướng Alexis Tsipras cho rằng, các chủ nợ quá khắt khe về yêu cầu cắt giảm chi tiêu, trong đó có cắt giảm lương công chức, cơ cấu lại lương hưu, và chưa chịu chấp nhận những đề xuất mới của Hy Lạp, khiến cho quốc gia này lao đao vì nợ công và đứng trước nguy cơ ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cuộc đua tìm kiếm một thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đang được đẩy nhanh bởi quốc gia này đang tiến gần tới hạn chót phải thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ Euro (tương đương 1,7 tỷ USD) cho IMF vào ngày 30/6. Nếu không đạt được thỏa thuận với chủ nợ để được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo, Hy Lạp sẽ không có tiền trả cho IMF và chính thức phá sản, thậm chí phải rời khỏi Eurozone.

Trong trường hợp đó, nền kinh tế Hy Lạp - quốc gia nặng nợ nhất châu Âu - và thị trường tài chính toàn cầu sẽ phải đối mặt với những hệ quả khó lường. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 24/6 do giới đầu tư lo ngại thế bế tắc của Hy Lạp sẽ không được tháo gỡ.

Cơ hội cuối cùng thoát “cửa tử”

Những vấn đề mấu chốt nhất hiện nay trong cuộc đàm phán bao gồm lương hưu, thuế bán hàng, và giảm hoặc xóa nợ.

Theo Thủ tướng Alexis Tsipras, nhóm chủ nợ đưa ra những điều kiện ngặt nghèo hơn về vấn đề lương hưu và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), dù đã hạ thấp mức thuế đánh vào các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp gặp gỡ các quan chức trước khi tiến hành đàm phán tại Bỉ – (Ảnh: Julien Warnand/EPA)

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijssebloem khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận cho đến khi đạt được một thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp, tránh một kịch bản không mong muốn - nước này phải rời khỏi Eurozone.

Theo ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici, Eurogroup và Hy Lạp sẽ đàm phán cho đến khi đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ bởi việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung sẽ gây nên những đảo lộn lớn cho EU và cả thế giới, đồng thời phá vỡ tính thống nhất của liên minh.

Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp Giorgos Stathakis cho biết, hai bên đều đã có một số nhượng bộ nhưng chưa đủ để tiến tới thỏa thuận. Hy Lạp đã thuyết phục được các chủ nợ về hạ mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản, qua đó có thể giúp kinh tế nước này tăng trưởng 1 đến 1,5% trong năm nay.

Bất đồng giữa Hy Lạp và các chủ nợ gây áp lực lên lãi suất trái phiếu của chính phủ tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, phản ánh sự thiếu niềm tin của giới đầu tư. Tiến triển chậm trong đàm phán về nợ công của quốc gia này cũng khiến giá chứng khoán ở Mỹ quay đầu tụt dốc.

Ngày 24/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) một lần nữa phải nâng trần quỹ Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp nhằm đối phó với tình trạng người dân ồ ạt rút tiền tiết kiệm. Theo giới quan sát, đàm phán nước rút giữa Hy Lạp và các chủ nợ chỉ có thể kéo dài đến 27/6 vì thỏa thuận, (nếu đạt được) cần phải chờ Quốc hội Hy Lạp thông qua và một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Đức - thành viên lớn thuộc nhóm chủ nợ./.