Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang bước vào giai đoạn nước rút, chính phủ Hy Lạp hôm qua đã phát đi những tín hiệu trái chiều, cho thấy “trận đấu cân não” giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế sẽ gay cấn tới tận phút cuối. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các thị trường châu Âu và thế giới cần phải chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất, đó là Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng euro.
Trong một động thái cho thấy sự nhượng bộ đáng kể, một quan chức chính phủ Hy Lạp hôm qua cho biết, nước này sẵn sàng “thực hiện 2 hay 3 động thái” trong các cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế về một loạt biện pháp cải cách mà nước này phải thực hiện để nhận lấy tiền cứu trợ.
Tuy nhiên, trong một phát biểu cùng ngày trước các thành viên đảng Syriza cầm quyền, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lại chỉ trích Quỹ tiền tệ quốc tế phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay của Hy Lạp và cáo buộc Liên minh châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu đang “cài bẫy” Hy Lạp.
Chỉ còn hai tuần nữa là tới thời hạn chót Hy Lạp phải thanh toán khoản nợ đã đến hạn của Quỹ tiền tệ quốc tế và trên thực tế, Hy Lạp cũng chỉ cầm cự được tới thời điểm này. Bởi sau đó, nước này có nguy cơ sẽ mất khả năng thanh toán, cả đối với các khoản tiền cơ bản như lương hưu hay lương công chức lẫn các khoản nợ với Quỹ tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, tới nay Hy Lạp vẫn khước từ mọi yêu cầu cải cách và cho rằng các chủ nợ đã đưa ra những điều khoản phi lý.
Rõ ràng, Hy Lạp không hề chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán khi mà những vấn đề kinh tế của nước này là rất cấp bách, song nước này hiểu rằng, nếu Hy Lạp, một nền kinh tế nhỏ bé trong Liên minh châu Âu bị vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng euro thì điều này cũng sẽ không hề dễ chịu đối với phần còn lại của châu Âu và thậm chí là cả đối với nền kinh tế toàn cầu. Và hơn hết, nhượng bộ cũng đồng nghĩa với việc chính phủ mới tại Hy Lạp đã thất hứa với các cử tri và có nguy cơ đối mặt với các cuộc bầu cử sớm.
Tuy nhiên, thái độ kiên quyết "có phần thái quá" của Hy Lạp lại đang khiến cho tiến trình đàm phán trở nên phức tạp hơn. Trong một phản ứng hiếm hoi trước các cuộc đàm phán về nợ công của Hy Lạp, Chính phủ Mỹ hôm qua đã hối thúc Hy Lạp “nghiêm túc” nhằm đạt được một thỏa thuận hữu dụng với các chủ nợ và tránh kéo nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng không chắc chắn.
Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earsnet tin rằng, tất cả các bên đều muốn giải quyết vấn đề theo cách mà Hy Lạp vẫn thực hiện các cải cách, mà vẫn có thể quay lại con đường tăng trưởng. Con đường phía trước dù chưa thể rõ ràng ngay lập tức, song hi vọng tất cả các bên quay lại bàn đàm phán. Điều này là vì lợi ích của tất cả các bên nhằm giải quyết tình hình trước khi nó gây tác động tới nền kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, dù mục tiêu đàm phán của các bên chỉ là khoản tiền 7,2 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ thứ 2 dành cho Hy Lạp, song cả Hy Lạp và các chủ nợ đều không muốn bị thua trong ván đấu này. Chính vì thế, trận đấu cân não giữa Hy Lạp và các chủ nợ được dự báo sẽ căng thẳng tới tận phút cuối và chắc chắn cuối cùng các bên sẽ đưa ra một thỏa hiệp, song vấn đề là bên nào sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn.
Tới nay, các chủ nợ cũng chưa cho thấy sự nhượng bộ rõ ràng, thậm chí là còn sẵn sàng đón nhận khả năng Hy Lạp nói lời tạm biệt với Khu vực đồng euro. Trong lúc này, để những căng thẳng không bị đẩy lên cao quá mức, cả Hy Lạp và châu Âu đều vẫn đưa ra những tuyên bố nhằm giữ hòa khí. Trong khi Hy Lạp tuyên bố sẵn sàng quay lại đàm phán bất cứ khi nào, thì Ủy ban châu Âu khẳng định các bên vẫn tiếp tục đàm phán.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin khuyến cáo, các bên không nên tự đẩy mình vào thế khó, bởi các hiệp ước của Liên minh châu Âu không dự báo về khả năng một nước phải rời khỏi khu vực đồng euro. Tuyên bố này đã cho thấy, dù Liên minh châu Âu đã có sự chuẩn bị tốt hơn trước mọi kịch bản có thể xảy ra, song việc Hy Lạp phải ra đi là điều mà châu Âu không hề mong muốn. Điều này sẽ gây ra những tổn thất nặng nề về chính trị khi “các nhà đầu tư, công dân, các bên có liên quan nhận ra Liên minh châu Âu không phải là một khối thống nhất”.