Thông tin từ Tổng công ty Điện lực Miền Nam cho biết, ngày mai (6/2), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tổ chức Lễ Khánh thành Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Dự án có khả năng truyền tải công suất lên đến 131MVA nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện Quốc gia.

Tổng mức đầu tư cho Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc là 2.336 tỷ đồng, gồm đường dây 2 mạch 110kV đấu nối đầu cáp ngầm phía bờ Hà Tiên; Đường dây 2 mạch 110kV Phú Quốc chiều dài 7,6km và Trạm biến áp  Phú Quốc 110/22kV - 40MVA. Hạng mục chính là tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển chiều dài 57,33km, có kết cấu 1 sợi cáp 3 lõi 630mm2. Điểm đầu của tuyến cáp ngầm bắt đầu từ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên và điểm cuối tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc.

img_2151.jpg
Đóng điện chính thức cho huyện đảo Phú Quốc.

Theo kế hoạch ban đầu và hợp đồng EPC đã ký với nhà thầu Prysmian Powerlink SRL, trong năm 2013 hoàn thành sản xuất cáp ngầm, quý 1/2014 triển khai thi công, hoàn thành toàn bộ dự án và đóng điện vào đầu quý 3/2014. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu Prysmian và các đơn vị liên quan, dự án đã được triển khai và hoàn thành sớm hơn dự kiến trên 6 tháng.

Trước đó, để đấu nối cho dự án cáp ngầm Phú Quốc và tăng cường khả năng cung cấp điện cho thị xã Hà Tiên, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư 2 công trình lưới điện 110kV đồng bộ với dự án này, bao gồm: Đường dây 2 mạch 110kV Kiên Lương - Hà Tiên có chiều dài 18,2km, tổng mức đầu tư 76,69 tỷ đồng và Trạm biến áp 110/22kV - 40MVA Hà Tiên có công suất 40MVA, tổng mức đầu tư 51,2 tỷ đồng, đã đóng điện vận hành vào tháng 2/2013.

Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng triển khai công trình các lộ ra 22kV Phú Quốc có tổng mức đầu tư 18,2 tỷ đồng và các công trình đầu tư, sửa chữa lưới điện phân phối trên huyện đảo Phú Quốc có tổng mức đầu tư 24,75 tỷ đồng với mục tiêu nâng cao năng lực cung cấp điện và cấp điện mới cho nhân dân ở khu vực các xã Gành Dầu, Bãi Thơm cũng như các phụ tải quan trọng khác trên huyện đảo Phú Quốc như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới…

Từ ngày 2/2, công ty Điện lực Kiên Giang đã áp dụng giá bán điện trên đảo Phú Quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư 19/2003/TT-BCT ngày 31/7/2013 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.

Với việc hoàn thành Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc vào đầu tháng 2/2014, người dân và các doanh nghiệp trên huyện đảo Phú Quốc sẽ được sử dụng một nguồn điện an toàn, ổn định đem lại giá trị thu nhập tăng thêm trên 200 tỷ đồng cho huyện đảo nhờ được giảm giá điện từ mức trung bình là 5.060 đ/kWh xuống theo giá đất liền.

Những dấu mốc quan trọng của Dự án

Dự án Cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Dự án được Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai thực hiện công tác lập dự án đầu tư xây dựng công trình bắt đầu từ tháng 9/2007.

Ngày 5/12/2007 Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành Trung ương để nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 báo cáo Khởi đầu dự án.

Từ ngày 18/12 đến 20/12/2007 Bộ Công Thương cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao (Ủy ban Biên giới Quốc Gia), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc Phòng (Quân khu 9), UBND tỉnh Kiên Giang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 tổ chức đi khảo sát thực địa tại Hà Tiên, Phú Quốc để lựa chọn hướng tuyến.

Thủ tướng Chính phủ có ý kiến thống nhất hướng tuyến ngày 26/8/2009.

Từ tháng 11/2008 đến tháng 12/2009, Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng Công ty CP Tư vấn XD điện 2 phối hợp lựa chọn một số nhà thầu, chuyên gia nước ngoài làm Tư vấn phụ cho một số gói thầu có tính chấp phức tạp như: Lập Báo cáo tiền khảo sát; Chuyên gia thiết kế lắp đặt cáp; Chuyên gia công nghệ cáp; Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Tư vấn khảo sát phần dưới biển.

Người dân huyện đảo Phú Quốc được sử dụng điện sinh hoạt với giá như trong đất liền.

Từ ngày 8/1/2010 đến ngày 6/2/2010: Tiến hành khảo sát dưới biển. Từ tháng 5/2010 đến tháng 12/2010: Hoàn tất hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng của dự án và trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Ngày 18/10/2010, Bộ Tài nguyên – Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại Quyết định số 1938/QĐ-BTNMT ngày 18/10/2010.

Ngày 14/1/2011, Bộ Công Thương phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình dự án Cáp ngầm 110kV Hà Tiên – Phú Quốc tại quyết định số 0223/QĐ-BCT ngày 14/1/2011. Từ tháng 1/2011 đến tháng 4/2011: Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức triển khai lập: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu EPC để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (được ủy quyền của Bộ Công Thương) phê duyệt Kế hoạch đầu thầu của dự án tháng 7/2011. Từ tháng 7/2011 đến tháng 1/2012: Tổ chức thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu (trong đó có gói EPC).

Đến ngày 9/4/2012: Phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu EPC “Thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống cáp ngầm cho dự án Cáp ngầm 110kV Hà Tiên – Phú Quốc”. Ngày 3/5/2012: Tổ chức ký kết hợp đồng gói thầu EPC giữa Tổng công ty  Điện lực miền Nam và Nhà thầu Prysmian Powerlink SRL/Italy tại TP HCM.

Từ tháng 1 đến tháng 9/2013: Nhà thầu Prysmian Powerlink SRL (Italy) sản xuất cáp ngầm. Từ ngày 9/7/2013 đến ngày 8/9/2013: Khảo sát biển để chuẩn xác tọa độ tuyến. Từ ngày 17/9/2013 đến ngày 20/11/2013: Các đơn vị của Bộ Quốc phòng thực hiện công tác rà phá bom mìn khu vực dự án.

Ngày 17/11/2013: Dự án chính thức được khởi công và Tổ chức thi công lắp đặt cáp ngầm biển đến ngày 10/1/2014. Ngày 11/1/2014: Tổ chức đóng điện kỹ thuật đường cáp ngầm xuyên biển. Ngày 2/2/2014 đóng điện chính thức thành công cấp điện cho huyện Đảo.

Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc được thực hiện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện Quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 131MVA, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao sức cạnh tranh đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của cả  nước, khu vực và quốc tế; góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường cho huyện đảo./.