Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, với nhận định năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm từ mức 13,6% trong năm 2014 xuống còn 12% trong năm 2015.

Phân tích rõ hơn, HSBC cho biết, dù xuất khẩu vẫn tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm. Trong năm 2014, xuất khẩu đã đạt mốc 150 tỷ USD và tăng trưởng đạt mức 13,6% so với năm 2013. Tuy nhiên, đấy lại là mức giảm so với mức tăng trưởng 15,2% trong năm 2013 và 18,2% trong năm 2012.

Phần lớn sự sụt giảm là do xuất khẩu hàng hoá suy giảm cả về giá trị lẫn số lượng, đặc biệt là các mặt hàng dầu thô, cao su, than và gạo. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng giày dép (tăng 22% trong năm 2014), dệt may (16%), hải sản (18%), linh kiện điện thoại (13%) và máy tính (10%) đều tăng mạnh chủ yếu nhờ vào khả năng cạnh tranh từ chi phí nhân công giá rẻ của Việt Nam.

HSBC cho rằng khuynh hướng này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2015 – xuất khẩu các mặt hàng sản xuất sẽ hoạt động tốt hơn, trong khi xuất khẩu các mặt hàng dựa vào nguyên liệu thô sẽ chậm đi.

Trong bối cảnh giá cả hàng hoá tăng chậm, nhu cầu nước ngoài giảm sút và khả năng cạnh tranh tiền tệ suy yếu, HSBC dự đoán tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm từ mức 13,6% trong năm 2014 xuống còn 12% trong năm 2015.

Phân tích cảnh báo tác động của tỷ giá tới xuất khẩu của Việt Nam, HSBC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo là Nhà nước sẽ đưa ổn định tiền tệ lên ưu tiên hàng đầu và NHNN sẽ chỉ giảm cặp tỷ giá VND/USD tối đa 2% trong năm nay.

NHNN cũng đã thay đổi tỷ giá tham chiếu 1% từ đầu tháng Giêng tạo cơ hội để giảm giá tiền đồng chỉ thêm 1%. Kể từ tháng 12, tiền đồng cũng đã tăng giá mặc dù tỷ giá tham chiếu có thay đổi trong khi các đồng tiền khác bao gồm đồng Euro và Nhân dân tệ đều mất giá.

Câu hỏi đặt ra là liệu hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có mất năng lực cạnh tranh nếu tỷ giá hối đoái danh nghĩa hữu dụng tiếp tục tăng giá? Giả sử Việt Nam vẫn tiếp tục có lợi thế chi phí nhân công giá rẻ, cạnh tranh về chi phí sẽ chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu nếu như Trung Quốc và các quốc gia ASEAN giảm giá đồng tiền của họ.

Các chỉ số tương quan thương mại (TCI) giữa Việt Nam và Mỹ, châu Âu, Nhật và Trung Quốc cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối nghịch với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản giúp cho họ trở thành các đối tác thương mại tuyệt vời. Chính vì vậy, sự mất giá của đồng Euro hay yên Nhật sẽ không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng vẫn là một quốc gia có thị phần xuất khẩu hàng xuất khẩu chú trọng lao động trên toàn cầu. Kết quả là tương quan thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng nên đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá mạnh có thể gây thiệt hại đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ phận tỷ giá của HSBC không dự đoán sẽ có sự giảm giá mạnh của cặp tỷ giá Nhân dân tệ và đô la Mỹ từ nay đến cuối năm 2015, điều này sẽ vẫn là thách thức lớn nhất đối với tình hình xuất khẩu của Việt Nam./.